【kq ngoai hang】Tiêu chí thu nhập

Báo Cà Mau(CMO) Tiêu chí thu nhập được xem là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu khó thực hiện nhất đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM. Tiêu chí này còn là nguy cơ đe doạ rớt chuẩn đối với một số xã đã đạt chuẩn. Ðặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc sản xuất và tiêu thụ ngư, nông, lâm sản của người dân gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh.

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trong toàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, các điều kiện chăm sóc về y tế, giáo dục không ngừng tăng lên.

Ðến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đạt 1.290 tiêu chí, bình quân 15,7 tiêu chí/xã; có 43 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 52,4% tổng số xã. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt TP Cà Mau hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tuy nhiên, đối với các xã bãi ngang và các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang gặp khó với tiêu chí thu nhập.

Theo thống kê, toàn tỉnh chỉ có 68/82 xã đạt tiêu chí thu nhập và hiện có nhiều xã đã công nhận đạt chuẩn NTM đang đứng trước nguy cơ tụt chuẩn từ tiêu chí này.

Thực tế cho thấy, cái khó nhất để thực hiện tiêu chí thu nhập chính là sản xuất, chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, dịch vụ chậm phát triển. Ðể tăng mức thu nhập, giúp Nhân dân giảm nghèo bền vững, thời gian qua nhiều địa phương đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ bà con thực hiện mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết… Tuy nhiên, những mô hình kinh tế được hỗ trợ đầu tư chưa phát huy hết hiệu quả, các sản phẩm nông nghiệp chưa trở thành hàng hoá lớn. Vì vậy mới chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn chứ chưa thật sự nâng cao mức thu nhập theo tiêu chí đề ra.

Việc hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM là cả một chặng đường dài đối với Ðảng bộ, chính quyền và người dân xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Hắng cho biết: "Thời gian qua, địa phương đã tranh thủ và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, phấn đấu đến đầu năm 2022 về đích NTM".

Diện mạo xã NTM nâng cao trên địa bàn xã Tân Hải đang dần rõ nét.

Ông Hắng chia sẻ: Một trong những mô hình sản xuất hiệu quả phải nhắc đến là nuôi tôm 2 giai đoạn ở ấp Tân Phong. Hiện mô hình này đang được 40 hộ dân áp dụng, tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Ðài với gần 1,7 ha, mỗi năm đem về thu nhập từ 100-150 triệu đồng.

Ông Ðài cho biết: “Nuôi tôm 2 giai đoạn rất dễ thực hiện. Giai đoạn 1 xử lý nước, mua con giống phải biết rõ nguồn gốc và chất lượng, về chạy ô-xy thuần lại trong bể ương khoảng 7-10 ngày rồi thả ra vuông. Giai đoạn 2 phải theo dõi sự phát triển của con tôm đều đặn, nếu có sự cố phải biết cách xử lý nhanh. Từ tháng thứ 3, thứ 4 thu hoạch tôm, đặt lú là chính”.

Ngoài nuôi tôm 2 giai đoạn, mô hình nuôi gà nòi thương phẩm của gia đình anh Nguyễn Minh Khái, ấp Tân Thuận được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân, bởi mô hình này rất dễ triển khai và nhân rộng. Anh Khái cho biết: “Ðược Ðảng uỷ xã hỗ trợ 15 triệu đồng, tôi nuôi gà nòi được hơn 1 năm. Một vụ nuôi kéo dài từ 4-5 tháng, nuôi khoảng 100 con, lợi nhuận từ 6-7 triệu đồng. Cứ lứa gà lớn gần xuất bán, tôi lại thả nối đuôi vài chục con, cứ thế mà xoay vòng".

Ðược biết, ngoài gà thịt thương phẩm, anh Khái còn để giống trên 10 con gà mái đẻ, anh cũng đầu tư máy ấp trứng riêng cho mình. Nguồn con giống ấp tới đâu anh nuôi tới đó. Hiện anh đang làm thêm chuồng nuôi phát triển quy mô lớn hơn. Hiện giống gà này đã đem lại kinh tế ổn định cho gia đình anh.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam nhận định: "Ðể nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành tiêu chí thu nhập, đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương tập trung triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; duy trì và nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn... Trong đó, trọng tâm thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện thâm canh cây trồng có hiệu quả và đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”./.

 

Trung Ðỉnh