Mặc dù chỉ là kỳ thi thử do Sở GD&ĐT tổ chức, nhưng với kết quả chỉ khoảng 67% thí sinh đạt yêu cầu đã khiến nhiều trường, phụ huynh và học sinh lo lắng, nghi ngại về kết quả tốt nghiệp nếu đề thi trong kỳ thi thật sắp tới có độ khó tương đương với đề thi thử.
“Cứ cho rằng kỳ thi thử đạt kết quả thấp là do đây chỉ là kỳ thi thử, điểm không được sử dụng đánh giá xếp loại cuối năm, nên các em chưa làm bài hết sức. Hay do các em chưa có nhiều thời gian ôn tập. Hoặc do kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới, còn lúng túng kỹ năng làm bài, thì với kết quả chỉ hơn 34% đỗ của tổng số học sinh trường như thế là một hồi chuông cảnh báo. Vì vậy, ngay khi có kết quả, nhà trường đã đưa ra biện pháp phối hợp với các đoàn thể, cha mẹ học sinh để tổ chức ôn tập nghiêm túc, chất lượng, nỗ lực củng cố kiến thức, giúp các em đạt kết quả tốt hơn trong kỳ thi chính thức”, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Mai, huyện Cái Nước Nguyễn Ðức Mạnh, cho biết. Ðây là một trong những trường có tỷ lệ học sinh đỗ thấp nhất trong kỳ thi thử vừa qua.
Lo ngại vượt sức
Phân tích đề thi, thầy Nguyễn Ðức Mạnh cho rằng, đề thi chính thức cần nhẹ nhàng hơn đề thi thử, cách ra đề cần phải cân nhắc để phân hoá được học sinh, nhưng không đến nỗi học sinh các trường “top cuối” phải cắn bút. Nhìn rõ, đề thi thử vừa qua khá dài, độ khó tương đối cao so với sức học của học sinh Trường THPT Nguyễn Mai - trường có chất lượng đầu vào thấp.
Học sinh Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển nỗ lực ôn luyện để hướng đến kết quả cao xét tuyển đại học. |
“Ðề Vật lý nhiều câu khó; đề thi Sinh học không khó, đa phần câu hỏi là những bài tập nhỏ nhưng dài 6 trang giấy A4. Với thời lượng 90 phút, các em rất khó trong việc lựa chọn các phương án, chưa kể các đáp án gây nhiễu. Ðặc biệt, môn Toán có độ khó vượt sức, số lượng điểm liệt hơn 70/204 thí sinh. Ngay cả “thủ khoa” kỳ thi thử vừa qua của trường có điểm trung bình xét tốt nghiệp là 8,06 nhưng môn Toán chỉ đạt 1,75 điểm. Xét về chất lượng thực tế của học sinh sau 3 năm học tập, nhà trường đánh giá có khoảng 30% học sinh sẽ rất khó đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới”, thầy Nguyễn Ðức Mạnh lo ngại.
Theo ghi nhận, những trường THPT ở “top đầu” như Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, THPT Hồ Thị Kỷ, THPT Hermann Gmeiner, THPT Ðầm Dơi… số học sinh điểm trên trung bình khá cao. Còn ở một số trường đỗ thấp, số học sinh đạt tổng điểm 4 môn xét tốt nghiệp chỉ hơn 30%. Môn Toán và Lịch sử có tỷ lệ điểm liệt cao nhất. 1.400 điểm liệt Toán (chiếm hơn 21%); môn Sử hơn 300 điểm liệt (chiếm 17%).
Em Huỳnh Thị Diễm, lớp 12C3, Trường THPT Nguyễn Mai, cho biết, do là kỳ thi “hai chung” với nhiều quy định mới nên về mặt tâm lý và kiến thức, em và các bạn đều thấy bỡ ngỡ, lúng túng trong làm bài. Diễm đăng ký xét tuyển khối C, ngành Luật, Ðại học Cần Thơ nên em gặp nhiều trở ngại ở môn Toán. Nhưng theo Diễm, để đạt điểm 5 môn Toán không khó, song đối với các bạn có học lực trung bình, yếu sẽ rất khó vì cấu trúc ra đề không giống các kỳ thi THPT trước đây.
Diễm còn cho biết, đề thi Sử năm nay không buộc thí sinh phải nắm nhiều mốc thời gian, mà đi sâu phân tích nội dung, ý nghĩa sự kiện. Do vậy, em khá tự tin để đạt kết quả cao trong kỳ thi tới. Dù chỉ là thi “diễn tập”, nhưng Diễm cho rằng kết quả kỳ thi thử đã đánh giá được năng lực học tập qua giai đoạn để em và bạn học tiếp tục củng cố kiến thức của mình.
Nỗ lực ôn luyện
Em Tạ Thị Ngọc Trân, lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, chia sẻ, trải qua 2 kỳ thi thử, em đã làm quen với hướng thi mới, cách ra đề và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia tới. Tuy nhiên, mục tiêu hướng tới của em là xét tuyển đại học ngành Luật TP Hồ Chí Minh nên em đang nỗ lực ôn luyện và bù đắp lại những kiến thức còn thiếu trong tháng còn lại này.
“Em chia ra ôn tập theo ngày, theo từng môn, và lượng kiến thức bổ sung cần thiết để không tạo áp lực cho bản thân. Và tuần cuối sẽ là tuần tổng hợp kiến thức. Môn Toán là môn xét tốt nghiệp nên cần củng cố kiến thức đạt trên trung bình. Các môn thi khối C, em quyết tâm sẽ đạt điểm tốt nhất theo mong muốn”, Trân kỳ vọng.
Là trường có kết quả đỗ cao nhất trong kỳ thi thử, với hơn 95% đạt xét tốt nghiệp, nhưng ngay khi thời điểm cận kề, học sinh Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển vẫn phải ra sức luyện tập nhiều hơn. Không khí tại các lớp ôn luyện “nóng” dần bởi mục tiêu hướng đến là giảng đường đại học.
Thầy Nguyễn Ái, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, cho biết, trước kỳ thi thử do sở tổ chức, nhà trường đã tổ chức 1 kỳ thi đòi hỏi nâng cao tiếp cận dạng yêu cầu đề thi đại học, mang tính tương đối khó cho học sinh. Kết quả kỳ thi chỉ như một kênh thông tin để thầy cô có kế hoạch ôn tập tốt và để trò biết mức độ ôn tập của mình để chuẩn bị hướng đi tiếp, nhưng ở thời điểm đó, tâm lý các em chưa sẵn sàng.
Ở kỳ thi chung của tỉnh, chủ ý rất rõ ràng, đây là kỳ thi “hai chung” để phản ánh thực chất học lực của học sinh, không quá quan trọng kết quả. Tuy vậy, đối với 188/189 học sinh xét đại học đã xác định cần tập trung ôn luyện nhiều hơn mới có thể đạt kết quả như mong muốn. Ngay tại hội nghị tổng kết công tác thi thử và những nhiệm vụ cần thực hiện cho kỳ thi THPT quốc gia, lãnh đạo sở, hội đồng chuyên môn, cùng các hiệu trưởng trường đã rút kinh nghiệm, phân tích khá rõ kết quả thi thử, tìm ra nguyên nhân và hướng tìm giải pháp cải thiện kết quả.
Thầy Nguyễn Văn Tràng, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Nguyễn Mai, nhìn nhận, xét về đề thi minh hoạ của Bộ GD&ÐT, có một vài câu học sinh học lực trung bình làm được, còn nhiều câu “hơi căng”. Ở kỳ thi thử, so với đề thi minh hoạ của Bộ, tuy tương đồng về nội dung, nhưng độ khó cao so với học sinh Trường THPT Nguyễn Mai.
“Ðề ra nên có sự phân tầng, hướng học sinh yếu kém có thể lấy điểm xét tốt nghiệp. Năm nay, điểm 1 là điểm liệt. Ở kỳ thi thử, học sinh điểm liệt gần 40%, đa phần các em chỉ đạt đến 0,75 điểm. Nhìn rõ môn Toán là môn đặc thù khó, do vậy, ngay khi kết quả thi thử phản ánh năng lực của các em, tổ chuyên môn nhà trường đã phân từng nhóm học sinh giảng dạy, chú trọng các em đạt điểm thấp để các em khắc phục, tạo điều kiện ôn luyện tại trường, theo sự hướng dẫn của thầy cô chuyên môn”, thầy Tràng cho hay.
Vẫn biết thi thử là để các em làm quen, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi chính thức, nhưng đã phần nào đánh giá kết quả trong đào tạo giáo dục phổ thông, cho dù chỉ vài phần trăm học sinh bị điểm liệt. Từ thực tế, thiết nghĩ, đề thi cần phải phân định rõ ràng dễ, khó để tạo điều kiện cho thí sinh đạt tốt nghiệp, đủ điểm xét tuyển vào các trường đại học như kỳ vọng./.
Bài và ảnh: Băng Thanh