Hôm nay, 12/12/2017, Diễn đàn DN Việt Nam VBF 2017 đã khai mạc với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân bứt phá là kỳ vọng của VBF năm nay.
Phấn khởi hơn là tâm trạng chung của những người tham dự diễn đàn với những ghi nhận về một năm 2017 “khá hơn rất nhiều” năm trước và những tháng gần đây “tốt hơn rất nhiều” những tháng đầu năm.
Chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại được đề cao và được coi là một động lực quan trọng như bây giờ. Cùng với sự quyết tâm từ Chính phủ, các bộ ngành địa phương cũng có những chuyển biến rõ rệt về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. 2017 cũng là năm mà Chính phủ đã có nhiều chính sách đột phá tạo nên đường hướng phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh hơn bao giờ hết.
Phát biểu trước khi VBF khai mạc, ông Hirohide Sagara, đồng Chủ tịch VBF 2017 đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện các cải cách và các chính sách phát triển kinh tế thời gian qua.
Để khẳng định kết quả mà Việt Nam đạt được từ những thay đổi mạnh mẽ đó, ông Hirohide Sagara so sánh là GDP hiện nay đã tăng gấp 8 lần, đạt con số 220 tỷ so với con số 27 tỷ USD ở 20 năm trước – năm 1997 khi có VBF đầu tiên.
“Môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp đã có những thay đổi lớn rất đáng ghi nhận”, ông Vũ Tiến Lộc đồng Chủ tịch VBF 2017 cho biết. Nhưng cộng động DN và các nhà đầu tư cho rằng dù đã có những thay đổi tích cực nhưng chặng đường cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam còn gian nan. Mục tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam so sánh được với các nước ASEAN 4 hay ASEAN 3 vẫn còn xa. Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao về thể chế.
Một hạn chế lớn nữa là liên kết giữa DN tư nhân và DN FDI chưa thành công, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển như mong muốn, nền kinh tế đang ngày càng phụ thuộc vào FDI, nhất là các tập đoàn lớn.
Nếu nhìn vào bức tranh chung cả nước thì khá tốt nhưng có nhiều chỉ báo đáng lo ngại về sự yếu kém của khu vực DN tư nhân trong nước. Việt Nam cần phải duy trì được môi trường kinh doanh với các điều kiện kinh doanh tốt, giảm chi phí, tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng là những giải pháp thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển”, ông Hirohide Sagara phát biểu.
Điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn khó khăn, phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chưa chuyển động nhanh như mong muốn. Nhiều bộ, ngành còn chần chừ, chưa mạnh dạn cắt bỏ và đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm chi phí trong kiểm tra chuyên ngành…
Theo phản ánh của DN, chi phí kinh doanh tại Việt Nam cao và đang tăng nhanh. Mức lương tối thiểu tăng nhanh trong nhiều năm qua, cao hơn tốc độ tăng năng suất, kéo theo đó là gánh nặng đóng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn và các khoản phí bắt buộc khác…
Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhưng chi phí logistics của Việt Nam cao và kém cạnh tranh với nhiều nước. Do vậy, các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá từ Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Chi phí thực hiện thủ tục hành chính còn cao, thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà và nặng nề, điều kiện kinh doanh quá nhiều khiến chi phí vẫn tăng lên và tăng gấp đôi mức cần thiết.
Chính phủ đã nhận ra điều này và đã đặt yêu cầu trong những năm tới phải giảm một nửa điều kiện kinh doanh. Bỏ đi ½ tức là ½ này không cần thiết, nó đang vừa làm tăng chi phí thời gian, chi phí vật chất, chi phí tài chính, những chi phí này không tiên liệu được và làm mất đi cơ hội kinh doanh của DN.
Chính phủ đặt mục tiêu yêu cầu như thế nhưng theo ông Lộc cần có biện pháp mạnh thậm chí là Chính phủ phải dùng biện pháp “cưỡng bức” thực hiện. Phần lớn sự thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ này thuộc vào các bộ ngành do đó hành động của các bộ ngành vô cùng quan trọng.
“Tôi hy vọng các bộ ngành làm được như Bộ Công Thương kiên quyết giảm được từ 1/3 đến ½ điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Chúng ta hoàn toàn làm được điều này”, ông Lộc nói. Nhưng nhiều bộ ngành còn chần chừ trong cắt giảm thủ tục hành chính nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.
Đề giảm chi phí DN thì Nhà nước cần giảm bớt việc cung ứng dịch vụ công mà nên đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, có chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ công. Cùng một dịch vụ thì khu vực tư nhân thực hiện rẻ hơn là Nhà nước thực hiện nhưng các bộ vấn đang “ôm” quá nhiều dịch vụ công mà những dịch vụ đó khu vực tư nhân hoàn toàn đảm đương được.
VBF là nơi thẳng thắn trao đổi giữa cộng đồng DN, các nhà đầu tư kinh doanh với các cơ quan Chính phủ. Nhiều kiến nghị đề xuất của DN đã được Chính phủ, các cơ quan Chính phủ xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề đã được nên lên nhiều lần đến nay vẫn tồn tại. Tồn tại được DN nói nhiều đến trước thềm diễn đàn này đó là chính sách đã khó tiên liệu, lại hay thay đổi, thiếu nhất quán.
Vì thế, DN vẫn đối mặt với trường hợp thực thi không đúng theo quy định của pháp luật, như yêu cầu thêm thủ tục, giấy tờ. Một số trường hợp quy định không rõ ràng, không được giải thích thống nhất khiến doanh nghiệp không biết có vi phạm hay không… “Chính sách thiếu nhất quán, DN sẽ bất an”, ông Lộc nói.
“Cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân bứt phá” là kỳ vọng được đặt ra cho VBF năm nay.