【kq ngoại hạng anh đêm qua】Xuất khẩu nông sản tăng tốc ngay từ đầu năm
Cơ hội tăng mạnh thị phần nhờ FTA
Ngay từ ngày đầu tháng 1/2021, tại Hậu Giang, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) đã tổ chức lễ xuất khẩu (XK) lô tôm đầu tiên. Theo đó, 160 tấn tôm đầu tiên đã được xuất sang các thị trường cao cấp như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản... Đây không chỉ là lô hàng thủy sản XK đầu tiên trong năm 2021 mà còn mang ý nghĩa lô hàng mở màn cho XK nông, lâm, thủy sản nói chung cả năm nay.
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, năm 2021, các mặt hàng nông lâm thủy sản có nhiều cơ hội tăng mạnh thị phần do có lợi thế từ việc ký kết và triển khai một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này mở ra cho nông sản cơ hội thâm nhập một số thị trường khó tính và tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực.
Ví dụ, không chỉ mặt hàng thủy sản dự báo sẽ có kim ngạch XK cao tại các thị trường như EU, Nhật Bản, Mỹ mà các mặt hàng như gỗ và các sản phẩm gỗ, hồ tiêu, rau quả tiếp tục là những mặt hàng có lợi thế ở thị trường Mỹ. Đặc biệt, so với các đối thủ cạnh tranh khác, hồ tiêu Việt Nam vẫn có triển vọng tốt tại thị trường Mỹ và tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất của Mỹ, với thị phần 65,9%.
EU là thị trường lớn thứ 3 của XK nông lâm thủy sản Việt Nam. Hiện nay, gạo là mặt hàng đang có nhu cầu cao tại EU khi vào cuối năm 2020, một số quốc gia ở EU bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa để phòng chống Covid-19 như Pháp, Đức, Anh, Bỉ… khiến nhu cầu mua lương thực để nấu tại nhà tăng lên. EU cũng là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 40% về khối lượng và 38% tổng kim ngạch XK…
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại rất quan trọng đối với nông sản Việt Nam, chiếm 25,14% tổng giá trị XK nông lâm thủy sản chính của Việt Nam. Sản phẩm thạch đen, sầu riêng, khoai lang - những mặt hàng có tiềm năng lợi thế kể cả về chất lượng và sản lượng đang được đàm phán để XK chính ngạch sang thị trường này hứa hẹn góp phần nâng cao kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam trong năm 2021…
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT nhận định, bên cạnh những cơ hội, các FTA (hiệp định thương mại) cũng tạo ra nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và mức độ định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Đối với các thị trường XK trọng điểm của Việt Nam, điển hình là thị trường Trung Quốc, việc phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra nhiều lô hàng nhập khẩu nhằm kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh, quản lý chất lượng; kiên quyết siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường sẽ khiến quá trình XK hàng hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2021.
Với EU, các doanh nghiệp (DN) XK của Việt Nam bước đầu đã tận dụng ưu đãi để XK vào thị trường này nhưng chưa tăng mạnh với hàng nông, lâm, thủy sản.
Đối với thị trường Mỹ, Bộ NN&PTNT cũng lo ngại Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng hàng rào kỹ thuật… sẽ gây tác động bất lợi tới XK các nhóm hàng lớn như thủy sản, hồ tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Với khối thị trường ASEAN, thách thức là sản phẩm nông sản tương đối tương đồng và sản phẩm Việt Nam cạnh tranh bởi nông sản của các nước như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Phát triển thị trường trong nước gắn với du lịch nông nghiệp
Từ những cơ hội và thách thức đặt ra cho XK nông, lâm, thủy sản trong năm nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành Nông nghiệp xác định tập trung cao độ thúc đẩy mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng để có thể về đích như kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ.
Vì vậy, trong công tác thị trường, Thứ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu thúc đẩy XK; tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định về kiểm dịch động thực vật, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường XK; nhu cầu của thị trường XK. Đồng thời, các đơn vị tổ chức các hoạt động kết nối XK, hỗ trợ giao thương tại các tỉnh giáp biên giới nhằm đẩy mạnh XK hàng nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, cơ quan chức năng tiếp tục đàm phán, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại, mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam XK chính ngạch tại các thị trường mới. Ngoài ra, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại theo vùng để thúc đẩy liên kết vùng trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu lớn, sản lượng lớn, năng suất cao phục vụ nhu cầu nội địa và XK.
Đáng chú ý, điểm nhấn của công tác xúc tiến thương mại nông sản trong năm 2021 là phát triển thị trường trong nước gắn với phát triển văn hóa địa phương và du lịch nông nghiệp bản địa; kích thích tiêu dùng nông sản, đặc sản chất lượng cao, sản phẩm có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Để phát triển tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, ngay từ đầu năm, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức luân phiên, liên tục các hội chợ triển lãm, tuần hàng nhằm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực, đặc sản của các địa phương, DN, hợp tác xã trực tiếp đến người tiêu dùng tại các thành phố lớn; đồng thời thúc đẩy mạnh kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản vùng miền…
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu mục tiêu năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng ngành khoảng 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD. |
Nam Khánh