Để các hệ giá trị nêu trên và nhiệm vụ xây dựng phát triển văn hóa,nh lkêt qua laliga con người Bình Phước nói riêng tiếp tục được lan tỏa, ngày 24-6-2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND, triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh.
Hệ giá trị tạo ra sự đa dạng về văn hóa
Đối với hệ giá trị văn hóa Việt Nam, 4 giá trị nền tảng được xác định là dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học. Thạc sĩ văn hóa Nông Thị Thu Hà, Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực II phân tích: Yếu tố cốt lõi của văn hóa là hệ giá trị. Hệ giá trị chuyển thành các chuẩn mực xã hội, định hướng sự lựa chọn trong hành động của mỗi cá nhân, trong cộng đồng. Vì vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, mỗi tộc người đều hình thành nên những giá trị văn hóa để tạo nên sự thống nhất về nhận thức và định hướng hành vi của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng.
Các hội diễn, hội thi văn hóa đã trở thành nơi hội tụ, lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc
Chính vì vậy, hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” mà Đảng ta đã đề ra. Đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới với nhiều quốc gia, nhiều dân tộc trên thế giới, văn hóa càng được đề cao và là sức mạnh nội sinh của quá trình phát triển.
Thạc sĩ Nông Thị Thu Hà cho rằng: “Quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn và khoa học không những giúp Việt Nam giữ gìn bản sắc dân tộc, tạo động lực cho quá trình hiện đại hóa, phát triển con người Việt Nam mà còn góp phần tạo ra sự đa dạng về văn hóa, giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên và bảo đảm phát triển bền vững”.
Về 4 giá trị nền tảng đối với hệ giá trị văn hóa Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định, 4 giá trị này đều có tầm quan trọng ngang nhau, không tách rời mà bổ trợ cho nhau cùng phát triển.
Sứ giả mang văn hóa Bình Phước đi xa
Một trong những yêu cầu đáng chú ý tại Kế hoạch số 208 của UBND tỉnh triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới là phát huy tối đa vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Phát huy sứ mệnh của văn học, nghệ thuật (VHNT) trong xây dựng hệ giá trị.
Với vai trò, nhiệm vụ của mình, ông Phạm Hiến, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước cho biết: Sau khi tỉnh ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước, khẳng định 3 trụ cột chính về văn hóa là đa dạng, bản sắc và hội nhập, chúng tôi luôn bám sát để chủ động trong công tác tuyên truyền. Chúng tôi sẽ phát huy những giá trị riêng biệt của Bình Phước trên 3 trụ cột này so với những nơi khác để xây dựng hình ảnh, quảng bá về vùng đất, con người Bình Phước.
Với sự chủ động đó, ông Phạm Hiến tin tưởng Tạp chí Văn nghệ sẽ phát huy được vai trò trong việc tuyên truyền các hệ giá trị. Ông Hiến cho biết: “Về giá trị con người nổi trội trong Nghị quyết số 14, chúng tôi đã xây dựng chuyên mục Di sản Bình Phước và Góc nhìn văn nghệ với những bài viết chuyên biệt, duy trì đều đặn trong các số chuyên đề. Qua 2 chuyên mục này, chúng tôi mong muốn góp sức lan tỏa đến công chúng về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Ca sĩ Trang Dung ghi hình trong MV “Bình Phước tình em”, sáng tác của nhạc sĩ Xuân Hòa
Những tác phẩm VHNT luôn có sức mạnh to lớn trong việc khơi gợi cảm xúc, chinh phục lòng người nên đặc biệt hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh địa phương, lan tỏa hệ giá trị văn hóa - con người. Chưa từng đến Bình Phước, chỉ từ bài thơ “Bình Phước tình em” của nhà thơ Dương Quyết Thắng, nhạc sĩ Xuân Hòa, nổi tiếng với nhiều ca khúc trữ tình về quê hương, đất nước như “Đưa em về Hà Tĩnh”, “Lỡ hẹn với dòng Lam”… đã bắt nhịp được cảm xúc và cảm tác thành ca khúc cùng tên.
“Tôi có cảm xúc từ bài thơ “Bình Phước tình em” của nhà thơ Dương Quyết Thắng. Bài thơ đã giới thiệu được các cảnh đẹp, di tích lịch sử, con người Bình Phước làm tôi thấy nên giới thiệu qua sản phẩm âm nhạc đến với mọi người, để mọi người hiểu Bình Phước là tỉnh nên đến và đáng sống” - nhạc sĩ Xuân Hòa chia sẻ.
Mỗi tác phẩm VHNT ra đời đều là sự chắt chiu cảm xúc, là tình yêu với vùng đất, con người của văn nghệ sĩ. Để rồi, những sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo âm thầm đó đã trở thành những sứ giả mang hình ảnh, giá trị Bình Phước đến gần hơn với mọi người.
Trang Dung may mắn được hát 2 ca khúc về Bình Phước rồi và bây giờ về với Bình Phước, trải nghiệm trong không gian và gặp gỡ, tiếp xúc với con người Bình Phước, cảm giác của Trang Dung đúng như lời bài hát: đây là mảnh đất rất trong xanh và yên bình. |
Ca sĩ TRANG DUNG (TP. Hồ Chí Minh) |
Đề cao vai trò chủ thể của nhân dân
Không chỉ VHNT có sức mạnh to lớn trong lan tỏa hệ giá trị, mà mỗi người dân đều là những đại sứ lan tỏa hệ giá trị văn hóa bằng chính mỗi việc làm ý nghĩa, hằng ngày. Ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chia sẻ: Vấn đề xây dựng văn hóa không chỉ là của cấp ủy, chính quyền mà là của toàn dân. Nhân dân vừa là chủ thể vừa là khách thể, đồng thời cũng là người hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Nếu không phát huy được vai trò, nguồn lực trong nhân dân, không có sự tham gia của nhân dân, tôi cho rằng cũng không thành công được.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khắc Vĩnh nhấn mạnh sự cần thiết phát huy vai trò, nguồn lực nhân dân trong phát triển văn hóa
Phải có sự động viên, khuyến khích để nhân dân không ngừng sáng tạo, phát triển văn hóa. Với tình hình mới, tác động của công nghiệp 4.0, xây dựng văn hóa hiện nay đang là một trong những vấn đề hết sức trọng tâm, cần sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cấp, ngành, trong đó chúng ta không thể bỏ qua vai trò của nhân dân. Vai trò định hướng của Nhà nước là rất quan trọng, phải làm sao để nhân dân phát huy được tính năng động, chủ động, sáng tạo trong quá trình phát triển văn hóa. |
Ông NGUYỄN KHẮC VĨNH, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh |
Phát huy vai trò chủ thể, bằng trách nhiệm của mình, mỗi người dân Bình Phước thời gian qua đã góp phần đưa hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa Bình Phước đến với muôn nơi. Với Thạc sĩ văn hóa Lương Thị Hồng Vân, giảng viên chính, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, việc lan tỏa giá trị được gắn với công việc chuyên môn của mình. Để những giá trị này được lan tỏa, chúng tôi cố gắng trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giúp học viên nhận thức rõ ràng về giá trị của văn hóa Việt Nam qua thực tế cuộc sống.
Còn với ca sĩ Đức Quang, anh cho biết rất hạnh phúc khi hát về chính quê hương mình. “Đối với Quang, là người con của Bình Phước, Quang mong muốn thông qua lời ca, tiếng hát của mình tiếp cận với khán giả, những người yêu âm nhạc để giới thiệu về Bình Phước thông qua những ca khúc. Khi hát về quê hương mình, Quang luôn nghĩ về những hình ảnh đẹp nhất, hát với những cảm xúc tích cực nhất với mong muốn mang những hình ảnh đẹp đó đến với mọi người” - ca sĩ Đức Quang chia sẻ.
“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Trân trọng, nâng niu và nâng cánh cho những giá trị văn hóa đang trở thành nhiệm vụ không của riêng ai. Đó cũng là cách thể hiện lời cảm ơn các bậc tiền nhân đã gìn giữ mảnh đất ta đang sống, cảm ơn quê hương đã dưỡng nuôi tâm hồn, hun đúc trong ta những khát vọng bay lên và cảm ơn cuộc đời đã dạy ta biết yêu thương…
Bởi, văn hóa - con người là nguồn lực gốc!