Từ ngày 24/8/1958 lịch sử...
Sau ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954),ânHàngĐẫyvàcâuchuyệncủanămc vs westham để tăng cường sức khỏe cho nhân dân và phát triển phong trào TDTT, Chính phủ đã cho xây lại sân Hàng Đẫy với chủ trương "đẹp, tốt, rộng, đúng quy cách hiện đại". Khởi công vào ngày 16/2/1957 và khánh thành vào ngày 24/8/1958, trước thời hạn 45 ngày, một tiến độ thi công được xem là cực kỳ tốc độ vào thời bấy giờ. Sân Hàng Đẫy mới chính thức ra đời với diện tích 21.844m2, bao bọc bởi tường cao có 14 cửa nhỏ và 3 cửa lớn, chính giữa là sân bóng đá, xung quanh có đường chạy điền kinh, có sân bóng chuyền, bóng rổ... Khán đài xây theo hình lòng chảo có 20 bậc chứa xấp xỉ 2,5 vạn người.
Một công trình mà theo bài phát biểu trong Lễ khánh thành của bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội khi đó là: "Thể hiện tính ưu việt của chế độ của chúng ta, một công trình chưa hề có dưới thời kỳ Pháp thuộc."
Cũng tại Lễ khánh thành, sân Hàng Đẫy được "mở hàng" với trận cầu giao hữu giữa hai đội tuyển PhnomPenh (Campuchia) và Hải Phòng trước sự chứng kiến của Bác Hồ cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kể từ đó, nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ" của thể thao Thủ đô cũng như nhiều sự kiện chính trị - xã hội lớn của đất nước, bên cạnh các kỳ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, Đại hội Thể dục thể thao Hà Nội, nơi đây còn tổ chức nhiều giải bóng đá quốc tế lớn như: SKDA (giải bóng đá Quân đội các nước XHCN); Tiger Cup, AFF Cup (giải bóng đá vô địch Đông Nam Á)... và là sân nhà của nhiều đội bóng lớn như: Thể Công, Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt...
...Đến những thăng trầm
Cùng với những bước tiến của đất nước nói chung và thể thao nói riêng, sân Hàng Đẫy nhiều lần được nâng cấp và sửa chữa phục vụ cho thể thao cùng nhiều hoạt động lớn khác của Hà Nội. Sân sau này có thêm dàn đèn chiếu sáng, rồi các khán đài được nâng lên 2 tầng để tăng sức chứa hơn 2 vạn chỗ ngồi. Đường chạy quanh sân cũng được trải nhựa tổng hợp đúng với quy chuẩn quốc tế...
Tuy nhiên, khoảng năm 1997, sân bóng lịch sử này mới có đợt nâng cấp lớn đáng kể mà ít ai biết, xuất phát từ chuyện... chẳng giống ai! Đó là vào tháng 4/1996, nhân chuyến du đấu châu Á, đội bóng lừng danh của nước Ý là Juventus tới Hà Nội thi đấu giao hữu với đội tuyển Việt Nam. Dù giá vé lúc ấy khá "cắt cổ" 150 -200 ngàn đồng, nhưng sân Hà Nội vẫn chật kín người hâm mộ hò reo cổ vũ những ngôi sao danh tiếng như: Gianluca Viali, Conte, Pessotto, Rampulla, Lombardo do HLV Marcelo Lippi dẫn dắt. Cuối trận trời mưa to u ám, khán giả hò reo "bật đèn lên!", nhưng than ôi, cả 4 cột đèn của sân Hàng Đẫy đều đã hỏng cả nên cầu thủ hai đội quần nhau giữa trời mưa mù, nhá nhem, khiến ai cũng cảm thấy xấu hổ.
Sau trận đấu, lãnh đạo cấp cao đã ngay lập tức yêu cầu UBND thành phố Hà Nội phải lắp dàn đèn mới và Liên doanh Philips-AIC khi ấy trúng thầu để cuối năm có dàn đèn mới xịn hơn cho tới tận ngày nay. Sang năm 1998, lần đầu tiên Việt Nam giành quyền đăng cai Tiger Cup, sân đấu tiếp tục được nâng cấp nhiều hạng mục, lắp bảng điện tử, ghế ngồi...
Nhưng nỗi thăng trầm mang tên Hàng Đẫy vẫn chưa hề dừng lại, chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 cũng lần đầu Việt Nam tổ chức sân lại được trùng tu, nâng cấp, nhưng khi đó sân vận động quốc gia Mỹ Đình ra đời, số phận sân Hàng Đẫy bắt đầu bị đặt dấu hỏi khi mà tiến trình đô thị hóa Hà Nội diễn ra chóng mặt.
Ý nghĩa lịch sử, xã hội là không thể phủ nhận, đó là chưa kể sân Hàng Đẫy cùng Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức tạo nên một quần thể thể thao ở khu vực này, nhưng rõ ràng nơi đây thiếu những yếu tố phụ trợ của một công trình thể thao thời hiện đại, giá trị sử dụng không còn cao như trước. Vậy nên ý kiến bỏ sân Hàng Đẫy để thay bằng các công trình khác đã xuất hiện và không phải là không có cơ sở riêng.
Các hình ảnh về mô hình sân Hàng Đẫy mới được thiết kế hiện đại và trở thành tổ hợp văn hóa, thể thao, dịch vụ. |
Và giấc mơ...
Sân Hàng Đẫy vẫn được giữ lại và còn được mở rộng diện tích để trở thành khu liên hợp thể thao hiện đại - đó là quyết định của UBND thành phố Hà Nội vào tháng 8/2017. Theo đó, thành phố quyết định mở rộng diện tích sân sang Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, khu huấn luyện vận động viên thành tích cao Hà Nội để tạo thành khu liên hợp thể thao đồng bộ, hiện đại. Một số công trình sẽ được di dời để bổ sung diện tích giao thông, bãi đỗ xe, kết hợp thương mại, dịch vụ... tạo không gian kiến trúc, cảnh quan cho sân Hàng Đẫy.
Đối tác được thành phố Hà Nội chọn thực hiện đề án là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và sân Hàng Đẫy cũng thí điểm bàn giao sân cho Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội quản lý. Và sự thay đổi dễ nhận thấy vào đầu năm 2018 này chính là mặt cỏ xanh mướt chả khác gì giải Ngoại hạng Anh của sân đấu xuất phát từ khoản đầu tư hơn 10 tỷ đồng của bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T) dành cho Hà Nội FC.
Chưa dừng lại ở đó, một giấc mơ còn lớn hơn đã được thổi bùng lên vào cuối tháng 3/2017 khi Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển, ông bầu của CLB Hà Nội, đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bouygues của Pháp để nâng cấp sân Hàng Đẫy. Được biết, bản hợp đồng này có giá trị lên đến 250 triệu euro (khoảng hơn 7.000 tỷ đồng).
Bouygues không hề là cái tên xa lạ ở Việt Nam khi tập đoàn này đã xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế vào năm 1997 nhân dịp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 và cầu Phú Lương, tỉnh Hải Dương (năm 1995). Còn tại Pháp, Bouygues chính là đơn vị xây sân Parc des Princes (Công viên các Hoàng tử) ở Paris vào năm 1972 - đây là sân nhà của CLB PSG, đội bóng đang thi đấu ở Ligue 1 và là nơi diễn ra các trận đấu ở các giải bóng đá quốc tế lớn như EURO 1984, 2016 và World Cup 1998. Năm 2010, Bouygues còn kí hợp đồng với thành phố Marseille để nâng cấp sân vận động Velodrome nổi tiếng của nước Pháp và châu Âu.
Theo kế hoạch, ngay sau khi giải vô địch quốc gia V-League 2018 kết thúc, sân Hàng Đẫy hiện tại được đập bỏ, khởi công xây mới lại toàn bộ với thiết kế gồm 4 tầng hầm, 2 tầng nổi và khán đài tạo thành quần thể văn hoá thể thao và dịch vụ, thay vì chỉ phục vụ cho thể thao như hiện tại. Sân Hàng Đẫy mới dự kiến không còn đường piste, có sức chứa 2 vạn khán giả, có mái che theo tiêu chuẩn FIFA. Đặc biệt, sân thi đấu bóng đá được đặt ở tầng nổi thứ 2, phía trên một loạt công trình dịch vụ, văn hoá như rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện hay hệ thống tầng hầm để xe, phục vụ cho toàn khu vực dân cư kế cận.
Giấc mơ “Công viên các Hoàng tử” của Hà Nội đã thật gần!