Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu tóm tắt về dự thảo Nghị quyết với 9 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2016.
Xây dựng phương án, lộ trình khoán xe công
Một trong các nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu mà Chính phủ yêu cầu là thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo hướng tăng tỉ trọng thu nội địa; cơ cấu lại các khoản chi NSNN theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm chi đầu tư tăng nhanh hơn chi thường xuyên. Tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN. Không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế.
Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công. Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương, chỉ bổ sung dự toán chi ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp trong năm 2016 cho các địa phương thực sự khó khăn.
Đồng thời, tăng cường bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính; các khoản thu, chi NSNN phải được thực hiện theo dự toán. Quản lý chặt việc chi chuyển nguồn; chi thường xuyên, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính triển khai phát hành trái phiếu Chính phủ theo đúng kế hoạch để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, tiêu cực.
Về công tác xây dựng văn bản pháp luật, Chính phủ yêu cầu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định về tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên, chi sự nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật để thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước. Xây dựng phương án và lộ trình thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh, khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chuyển dần bảo lãnh vay vốn sang ngân hàng thương mại
Liên quan đến vấn đề nợ công, Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt Quỹ tích lũy trả nợ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn; ban hành và triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương.
Cùng với đó, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phải tổ chức điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện. Các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết; đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền phải được cắt giảm tối đa. Áp dụng phổ biến hình thức hội nghị, hội thảo trực tuyến để tiết kiệm chi. Không đề xuất ban hành các chính sách, chế độ mới hoặc tăng định mức chi dẫn đến tăng chi NSNN mà không có nguồn đảm bảo.
Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án theo đúng thứ tự ưu tiên quy định. Bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án theo tiến độ đã được quy định. Tổ chức tốt việc phục vụ bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương.
Trên cơ sở dự toán NSNN được giao, tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương theo nghị quyết của Quốc hội. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ./.
Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2016 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%... |
H.Y