Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển quê hương sau 15 năm huyện Châu Thành trực thuộc tỉnh Hậu Giang (01/01/2004 - 01/01/2019),ếttmxydựngChuThnhgiuvềkinhtếvữngvềchnhtrịtỷ số sunderland ông Tống Hoàng Khôi (ảnh), Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, khẳng định:
- Giờ đây, Châu Thành có thể tự hào trước những thành tựu đã đạt được cả về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới - nhanh và bền vững.
Kết quả đó đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đối với địa phương. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ không ngừng; là quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, thử thách của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện nhà.
Năm 2004, địa phương phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào, thưa ông ?
- Những năm đầu chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính, Châu Thành cũng như các đơn vị khác trong tỉnh, phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi lĩnh vực nông nghiệp chiếm chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; thương mại - dịch vụ quy mô nhỏ; hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Châu Thành đạt được những bước tiến vượt bậc. (Trong ảnh: Tuyến đường trung tâm huyện được đầu tư xây dựng khang trang).
Ngoài ra, thu ngân sách trên địa bàn cũng đạt thấp; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thiếu và yếu so với yêu cầu nhiệm vụ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân chưa cao. Vì thế, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện lúc này đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định tình hình trên cơ sở phát huy sức mạnh truyền thống, kết hợp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển quê hương.
Đặc biệt, huyện đã tranh thủ và tập trung mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng và đạt được những bước tiến vượt bậc. Cụ thể như: Đường tỉnh 925, Quốc lộ Nam Sông Hậu, tuyến Tỉnh lộ 925B Đông Phước - Tân Long, các tuyến đường nội ô thị trấn Ngã Sáu, cầu dân sinh Phú Hữu, trụ sở làm việc của các cơ quan cấp huyện và xã, thị trấn... được đầu tư xây mới kiên cố, cải tạo, nâng cấp, góp phần làm thay đổi diện mạo và thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện thêm phát triển.
Thưa ông, đâu là những điểm nhấn trong phát triển kinh tế sau 15 năm Châu Thành trở thành huyện trực thuộc tỉnh Hậu Giang ?
- Năm 2018, giá trị sản xuất đạt 15.991 tỉ đồng, tăng gấp 31 lần so với năm 2004/512 tỉ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 63,7% xuống còn 5,56%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 13,21% lên 67,24%; thương mại - dịch vụ tăng từ 23,09% lên 27,2%. Tổng thu ngân sách tăng gấp hơn 6 lần so với năm 2004, trong đó thu nội địa đạt 63,6 tỉ đồng, gấp 9,3 lần/năm 2004 thu đạt 6,8 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư toàn xã hội 15 năm qua đạt hơn 22.200 tỉ đồng.
Các địa phương trên địa bàn đã chuyển đổi hơn 2.250ha đất lúa sang trồng cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao. Hiện toàn huyện chỉ còn khoảng 50ha đất trồng lúa, định hướng tới sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cây ăn trái. Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2018 đạt 93,32 triệu đồng/người/năm, riêng khu vực nông thôn đạt 41,56 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 24 lần so năm 2004. Đến nay, trên địa bàn huyện có 95% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, gần 100% hộ sử dụng điện an toàn; 3/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới 19/19 tiêu chí gồm Đông Thạnh, Đông Phú, Phú An, các xã còn lại đạt 12-17 tiêu chí.
Lĩnh vực được xem đột phá, chiến lược của huyện là sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển thế nào ?
- Từ một huyện sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, hầu như không có các cơ sở sản xuất công nghiệp, đến nay, Châu Thành đã trở thành điểm sáng của tỉnh về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Trên địa bàn huyện hiện có Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1 diện tích quy hoạch gần 291ha và 2 cụm công nghiệp tập trung diện tích quy hoạch 310ha gồm Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 1, 3 và Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú - giai đoạn 1.
Cùng với đó, có 21 nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện 25 dự án, bao gồm 16 dự án đã hoạt động, 9 dự án đang triển khai. Đáng nói là nhiều dự án với quy mô lớn như: Trung tâm Điện lực dầu khí Sông Hậu 1, Nhà máy nước AquaOne, Công ty Chế biến thủy hải sản Minh Phú, Nhà máy xi măng Cần Thơ - Hậu Giang… đã và đang hoạt động giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập ổn định.
Nếu như năm 2004, toàn huyện có 10 doanh nghiệp, 2 chợ; 111 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh thì hiện nay tăng lên 310 doanh nghiệp, 6 chợ và trung tâm thương mại thị trấn Ngã Sáu; 4.267 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh hoạt động năng động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.
Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá thực tế) năm 2018 đạt 16.273 tỉ đồng, tăng gấp 280 lần so với năm 2004/58 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 60,54% trong cơ cấu kinh tế của huyện; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.703 tỉ đồng, tăng 12,4 lần so với năm 2004/192 tỉ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh đã có bước chuyển biến tích cực, thưa ông ?
- Cùng với kinh tế, nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội luôn được quan tâm, chăm lo, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện của huyện. Trong đó, giáo dục - đào tạo được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên phát triển. Năm 2004, huyện có 29 trường học thì giờ đây tăng lên 39 trường, từ 1 trường tiểu học duy nhất đạt chuẩn quốc gia năm thì đến nay đã có 26 trường.
Năm 2004, ngành y tế của huyện chỉ có 19 bác sĩ (2 bác sĩ sau đại học - PV); các cơ sở khám chữa bệnh thiếu và yếu cả về nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thì đến nay toàn ngành có 258 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 57 bác sĩ gồm 2 chuyên khoa II, 23 chuyên khoa I, 32 bác sĩ, 13 dược sĩ đại học, 8 cử nhân điều dưỡng.
Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây dựng mới tại thị trấn Ngã Sáu với 130 giường bệnh, các trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới khang trang, trang bị nhiều thiết bị tiên tiến, hiện đại. Có 9/9 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, số bác sĩ trên vạn dân là 7,5 bác sĩ, số giường bệnh trên vạn dân là 15,84 giường, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh và duy trì thực hiện thường xuyên, nề nếp, chất lượng không ngừng được nâng lên. Toàn huyện hiện có trên 95% gia đình văn hóa, 61/65 ấp có nhà văn hóa, trong đó có 25 nhà văn hóa đạt chuẩn. Mỗi năm, trên địa bàn huyện có gần 3.000 lao động được dạy nghề và giải quyết việc làm mới. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2004 là 21,37%, đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 5,81%...
Công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh nông thôn được giữ vững, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, huấn luyện và xây dựng lực lượng đều hoàn thành chỉ tiêu; phạm pháp hình sự, tội phạm về trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông đều giảm từ 5% số vụ trở lên.
Đối với công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính được quan tâm thực hiện ra sao ?
- Công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của huyện. Theo đó, bộ máy hành chính nhà nước từ huyện đến các xã, thị trấn ngày càng hoàn thiện về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước được nâng lên đáng kể, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Năm 2004, cán bộ, công chức có trình độ đại học rất ít, không có trình độ thạc sĩ thì đến nay đã có 82/84 công chức cấp huyện có trình độ đại học và thạc sĩ, 125/187 công chức cấp xã có trình độ đại học và thạc sĩ. Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai ở tất cả các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện và xã, thị trấn theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, giảm tiêu cực, phiền hà cho người dân, tổ chức, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thưa ông, tới đây, huyện sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu như thế nào để giúp quê hương Châu Thành phát triển nhanh và bền vững hơn ?
- Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương và những thành tựu đạt được trong 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện sẽ quyết tâm xây dựng quê hương Châu Thành ngày càng “giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về nếp sống văn hóa, Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc”.
Trên tinh thần đó, huyện sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; gắn phát triển kinh tế với văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Mặt khác, sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị - xã hội; tập trung thực hiện tốt cải cách hành chính và xây dựng hệ thống chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân…
Xin cảm ơn ông !
GIA NGUYỄN thực hiện