Tổng cục Thuế cho biết, chính sách thuế hiện hành đã có những quy định ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản… chưa chế biến thành các sản phẩm khác, hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
Để khuyến khích các thương nhân, cư dân biên giới đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, giao thương, giảm thiểu thủ tục hành chính, Chính phủ đã có Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 (Nghị định 14), theo đó các đơn vị có thể xác lập hợp đồng bằng văn bản, trường hợp không xác lập hợp đồng bằng văn bản thì lập bảng kê hàng hóa nhằm tạo điều kiện thúc đẩy giao thương biên giới. Tuy nhiên, để được hoàn thuế GTGT, Nghị định 14 cũng quy định phải thực hiện theo pháp luật thuế GTGT.
Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định, để được hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu thì doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện hoàn thuế gồm: hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…
Việc kiểm soát hoàn thuế đối với tinh bột sắn xuất khẩu là nhằm chống thất thu tiền hoàn thuế. Ảnh minh họa. |
Thực hiện quy định của Nhà nước, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và thực hiện hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích của nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Một số vụ việc điển hình đã được cơ quan công an phối hợp xử lý như: Công ty TNHH JUNMA Phú Thọ, Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức…
Cơ quan thuế các cấp thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận việc hoàn thuế GTGT. Nhiều giải pháp để quản lý đã được chỉ đạo và thực hiện kịp thời. Đồng thời, đã phối hợp tích cực với các cơ quan có liên quan xác minh, đấu tranh với các hành vi vi phạm, gian lận trong hoàn thuế GTGT.
Vừa qua, trong công tác quản lý thuế, cơ quan thuế nhận thấy một số dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế GTGT của một số một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc không đáp ứng điều kiện về hoàn thuế GTGT: một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, đã bỏ trốn mất tích từ lâu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng, chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới không đúng quy định về điều kiện thanh toán để được hoàn thuế…
Thông tin trả lời xác minh từ các cơ quan thuế nước ngoài qua cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thuế đã phát hiện có một số doanh nghiệp nhập khẩu tinh bột sắn tại Trung Quốc không còn tồn tại, hoặc đã bỏ trốn mất tích từ lâu.
Để công tác quản lý hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 chỉ đạo nội bộ cơ quan thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế.
Trong đó, yêu cầu các cục thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các doanh nghiệp trên địa bàn có kê khai phát sinh giao dịch mua bán với các doanh nghiệp, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế Trung Quốc để thực hiện ngay các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế đã hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn. Trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế GTGT thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về ngân sách nhà nước, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển qua công an điều tra, khởi tố.
Phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo hoàn thuế đúng quy địnhTổng cục Thuế cho biết, việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành để xác minh các điều kiện, thủ tục trong việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế là một trong các biện pháp nghiệp vụ của ngành Thuế để thực hiện quản lý thuế nói chung và thanh tra, kiểm tra hoàn thuế nói riêng đảm bảo việc hoàn thuế đúng quy định. Qua xác minh thông tin các trường hợp vi phạm, cơ quan thuế đã chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. |
Đối với các hồ sơ hoàn thuế đã có kết quả trả lời xác minh của cơ quan thuế nước ngoài (đơn vị nhập khẩu không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng không thừa nhận nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam...) thì cục thuế xác định dấu hiệu gian lận hoàn thuế, thu thập hồ sơ liên quan chuyển cơ quan công an đề nghị điều tra xử lý. Khi có kết luận của cơ quan công an và các cơ quan có liên quan thì cục thuế xử lý hồ sơ hoàn thuế theo quy định.
Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế tập trung rà soát, xác minh các nội dung rủi ro liên quan tới hoạt động xuất khẩu (hồ sơ hải quan, thanh toán qua ngân hàng, xác minh thông tin về các đối tác nhập khẩu ở nước ngoài,...) hoặc qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, hải quan thì cục thuế cung cấp thông tin vi phạm của người nộp thuế cho cơ quan hải quan kiểm tra và giám sát hải quan theo quy định, đồng thời đề nghị cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan hải quan nước ngoài xác minh, điều tra làm rõ (thực tế có xuất khẩu hay không,...).
Tổng cục Thuế cũng cho biết, trước đó, ngày 10/12/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam (thành phần gồm các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan). Tại cuộc họp, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã giải đáp các vướng mắc với Hiệp hội Sắn Việt Nam, theo đó, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể khẳng định, nội dung chỉ đạo tại Công văn 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế là nhất quán với nội dung trao đổi, chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam về điều kiện, thủ tục để được hoàn thuế từ ngân sách nhà nước.
Đây cũng là văn bản chỉ đạo nghiệp vụ trong nội bộ ngành Thuế nhằm tăng cường công tác quản lý chống gian lận hoàn thuế, là biện pháp nghiệp vụ phòng chống hành vi gian lận, trục lợi trong hoàn thuế, chống thất thoát ngân sách nhà nước và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước./.