Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành vừa ký quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cảng hàng không Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh theo hình thức BOT.
Theo đó, sân bay quốc tế Quảng Ninh sẽ được xây dựng tại xã Đoàn Kết thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có diện tích sử dụng là 288,38 ha.
Sân bay cấp 4 E này sẽ có 1 đường hạ cất cánh kích thước 3.000 mx45 m, đảm bảo khai thác tàu bay B777 hoặc tương đương; 4 vị trí đỗ máy bay bao gồm 2 vị trí A321, 2 vị trí B777; 1 nhà ga 2 cao trình rộng 17.650 m2, công suất 2 triệu hành khách/năm (nhà ga hàng hoá được bố trí trong nhà ga hành khách đáp ứng công suất tối thiểu 10.000 tấn/năm).
Tổng mức đầu tư của sân bay Quảng Ninh là 7.494 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 5.256,9 tỷ đồng; chi phí GPMB là 734,2 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư nói trên chưa bao gồm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng (khoảng 2 năm) và lợi nhuận của nhà đầu tư.
Theo tính toán, để hoàn vốn nhà đầu tư cần tới 45 năm. Đây là khoảng thời gian hoàn vốn vào loại dài nhất từng được áp dụng tại một dự án hạ tầng giao thông.
Hiện Joinus Việt Nam, Posco E&C và Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc (KAC) là nhóm nhà đầu tư đang theo đuổi Dự án xây dựng sân bay Quảng Ninh.
Trước đó, tại đề xuất sơ bộ do liên danh này trình UBND tỉnh Quảng Ninh, thì Dự án có quy mô vận chuyển đến năm 2020 là 6,6 triệu lượt khách, với tổng mức đầu tư gần 654 triệu USD (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). 21% vốn thực hiện Dự án sẽ do các nhà đầu tư đóng góp, phần còn lại vay vốn thương mại.
Được biết, để chuẩn bị cho việc hình thành và phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh cũng đã và đang kêu gọi đầu tư một loạt dự án lớn, trong đó có khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino, vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Trong đó, sân bay Vân Đồn và khu nghỉ dưỡng phức hợp này chính là hai dự án có vai trò động lực, quyết định sự thành công của Đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Liên doanh Tổng Công ty Cảng hàng không Hàn Quốc, Công ty TNHH Joinus Việt Nam và Công ty TNHH Posco E&C tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của Dự án. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn vào danh sách các nhóm KKT ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015.
Ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành Khu kinh tế Vân Đồn được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù như: Ưu tiên huy động vốn ODA để đầu tư cho một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng trong KKT; được ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa không quá 50% vốn đối ứng cho một dự án ODA của trung ương đầu tư trên địa bàn nhưng địa phương cam kết bố trí vốn đối ứng.
Các dự án đầu tư hạ tầng như Sân bay Vân Đồn; hạ tầng công nghệ thông tin Vân Đồn; Bệnh viện quốc tế Vân Đồn; hạ tầng giao thông xuyên đảo được xem xét hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA.
KKT Vân Đồn cũng được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án cảng du lịch, bến du thuyền thuộc nhiệm vụ của ngân sách địa phương đầu tư. Việc cho vay lại, quản lý và sử dụng nguồn vay lại, hoàn trả vốn vay thực hiện theo quy định hiện hành.
Theo Chinhphu.vn
Giá vàng SJC giảm, đô la tự do lên giá