Ông Tính nhấn mạnh: việc xoá nghèo bền vững phải dựa vào các bối cảnh cụ thể để có biện pháp thích hợp.
Để bà con thoát nghèo bền vững
- Hơn 10 năm trước,ươngtrìnhAcủaViettelthànhcôngvìluônđiềuchỉnhđúngthựctiễngười chơi getafe khi Tập đoàn Viettel nhận nhiệm vụ thực hiện chương trình 30A tại 3 huyện nghèo ở Thanh Hóa (Bá Thước, Mường Lát) và Quảng Trị (Đắk Rông), ban lãnh đạo của Viettel thời đó có suy nghĩ gì?
Hồi đấy Chính phủ sau khi điều tra đã xác định cả nước có khoảng 60 huyện nghèo nên có chủ trương giao cho một số doanh nghiệp đảm nhiệm, cùng Chính phủ giúp từ một đến một vài huyện “thoát nghèo”. Hiểu nôm na là xoá đói, giảm nghèo theo kiểu xã hội hoá.
Lúc đó Viettel mới là tổng công ty thôi nhưng đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ, mà có người nói là lớn nhanh như Phù Đổng. Do vậy, ngoài 2 huyện được giao ban đầu ở Thanh Hoá và Quảng Trị, sau đó Chính phủ giao thêm cho Viettel một huyện nữa ở Thanh Hoá. Tổng cộng là 3 huyện: Bá Thước, Mường Lát ở Thanh Hoá và Đắk Rông ở Quảng Trị.
Thật ra, ngay khi bắt đầu có chút thành công khi làm viễn thông, Viettel đã xác định làm từ thiện, đóng góp cho xã hội là trách nhiệm, là nghĩa vụ. Đó là sự tri ân với đất nước, với người dân đã ủng hộ cho Viettel phát triển.
Vì thế, khi nhận nhiệm vụ thực hiện chương trình 30A mà Chính phủ giao, chúng tôi đơn giản thấy đó là trách nhiệm, và nghĩa vụ của mình. Thực tế là trước khi nhận 30A thì Viettel cũng đã tự tiến hành những chương trình xã hội khác, có tác động, góp phần xoá đói giảm nghèo như chương trình Trái tim cho em, chương trình Viettel - Tấm lòng Việt, chương trình xây nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách trên phạm vi cả nước…
Thiếu tướng Dương Văn Tính, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel |
- Khi bắt tay vào làm, phương châm thực hiện đề án 30A của ban lãnh đạo Viettel là gì?
Quan điểm của chúng tôi là làm thế nào để 3 huyện đó có điều kiện để phát triển kinh tế bền vững. Nói kiểu nôm na là chúng tôi trao cho bà con chiếc cần câu chứ không phải cho con cá.
Con cá ăn xong là hết, còn lại may ra là xương. Còn cần câu là sinh kế, có thể đi câu cá tiếp và lâu dài được. Nhưng làm những cái cơ bản, lâu dài như vậy thì không “mì ăn liền” kiểu làm xong là có kết quả ngay được, mà cần kiên trì. Viettel muốn bà con thoát nghèo bền vững chứ không phải để báo cáo thành tích ngay, hết chương trình mà bà con lại tái nghèo bền vững thì không hay.
Nguyên tắc khi thực hiện chương trình 30A của Viettel là “trao cần câu chứ không cho con cá”. |
- Viettel đã triển khai như thế nào để biến những ý định ban đầu đó thành hiện thực?
Khi đặt vấn đề với các huyện về triển khai đề án 30A, lãnh đạo các địa phương cũng đề nghị Viettel giúp một số chương trình. Nhưng sau một thời gian, chúng tôi nhận thấy cần có sự phối hợp, điều chỉnh cho sát với thực tế; nếu không phù hợp, không sát thì rút cục lại quay về kiểu “chỉ cho được con cá mà không tạo ra được cần câu”.
Với Viettel, chúng tôi quan niệm vấn đề phải đúng thực tiễn, chi tiết, cụ thể và tỉ mỉ. Vì vậy, lãnh đạo Viettel quyết định cho cán bộ xuống trực tiếp địa phương để khảo sát cùng, sau đó mới quyết định là nên giúp, đầu tư cái gì; đã làm thì phải làm đúng và hiệu quả.
Khi thực hiện điều này, Viettel thuận lợi là có cán bộ, nhân viên, cộng tác viên ngay tại 3 huyện nghèo đó nên việc khảo sát, kiểm tra, cùng thực hiện dễ dàng và nhanh chóng.
Đầu tư có trọng tâm, tìm cách nâng cao dân trí
- Trong 10 năm thực hiện chương trình 30A, việc xoá nghèo được Viettel thực hiện ra sao để người nghèo không tái nghèo?
Chúng tôi xác định là những cái mình đầu tư phải trọng tâm và làm thế nào để nâng cao dân trí. Khi người dân hiểu biết hơn thì việc sản xuất kinh doanh hay làm kinh tế cũng tốt hơn.
Trong thời gian đầu, Viettel ưu tiên đầu tư hạ tầng viễn thông cho 3 huyện nghèo Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hoá) và Đắk Rông (Quảng Trị). Bởi viễn thông (gồm có di động và Internet cáp quang -PV) sẽ giúp người dân giao thương và tìm thông tin hữu ích thuận lợi hơn khi mà điều kiện hạ tầng về đường xá tại 3 huyện này còn rất xấu. Trước đây, ở một số bản, xã thuộc 3 huyện này, khi mưa to, người dân bị cô lập với bên ngoài.
Khoản đầu tư này không thuộc chương trình 30A mà nằm trong kế hoạch đầu tư hạ tầng viễn thông của Viettel trong phạm vi cả nước, nhưng Viettel ưu tiên đầu tư trước cho các huyện nghèo theo chiến lược xây dựng hạ tầng. Thực tế, không ai muốn đầu tư viễn thông vào 3 huyện nghèo này hơn 10 năm trước vì sẽ bị lỗ nặng. Thử hình dung như ở bản Poọng (Mường Lát), điện lưới quốc gia chưa có, trạm thu phát sóng phải hoạt động bằng máy nổ thì chỉ Viettel mới đầu tư thôi.
Còn với chương trình 30A, Viettel đầu tư vào một loạt các hạ tầng cơ bản phục vụ cuộc sống của bà con như trường học, trạm y tế, nhà ở... rồi sinh kế như tặng bò giống, cây giống. Chúng tôi đưa ra các hỗ trợ này bởi nó thiết thực nhất cho người nghèo, chưa tổ chức, cá nhân nào làm cả hoặc có làm thì kéo dài khiến hiệu quả giảm rất nhiều.
Đơn cử như việc xây trạm y tế. Trước đó, người dân phải đi hàng chục km mới tới bệnh viện, lại không muốn đến trạm y tế của xã thì nó quá xuống cấp, thiết bị thiếu. Khi Viettel đầu tư xây trạm y tế khang trang, cung cấp nhiều thiết bị hiện đại, người dân đến khám nhiều hơn. Giúp sức khoẻ của họ đảm bảo thì mới có lực để thoát nghèo bền vững, đó là cách làm của Viettel.
Viettel xây nhà cho các hộ dân nghèo ở 3 huyện Bá Thước, Mường Lát, Đắk Rông bởi “an cư thì mới lạc nghiệp”. |
- Đầu tư cơ bản sẽ là những thứ không thấy kết quả ngay lập tức trong khi làm việc với người nghèo thường có những áp lực về việc đáp ứng các nhu cầu tức thời. Ngoài ra còn là áp lực về thành tích về giảm nghèo phải đạt được. Viettel đã giải quyết bài toán này như thế nào?
Chúng tôi luôn bám vào nguyên tắc quan trọng khi bắt đầu làm 30A là làm mọi thứ để giúp người dân xoá nghèo bền vững, vì thế không bị ảnh hưởng nhiều bởi những báo cáo thành tích ngay lập tức. Điều này cũng giúp Viettel tránh được các biện pháp “chỉ cho con cá”.
Tuy nhiên, thực tế thì các biện pháp đầu tư cơ bản, dài hạn cũng đem lại các kết quả tích cực ngay cho đời sống người dân như việc tư vấn giống cây trồng, tặng giống… Rồi việc chúng tôi đầu tư xây nhà cho người nghèo hay xây nhà bán trú dân nuôi cho học sinh, xây trạm y tế cũng vậy. Ví dụ như khi người dân có nhà ở kiên cố, không sống trong các căn nhà rách nát tạm bợ nữa, họ sẽ có sức khoẻ tốt hơn và yên tâm làm ăn hơn như người ta thường nói “có an cư mới lạc nghiệp”.
Ở đây, một vấn đề quan trọng là cán bộ, nhân viên của Viettel trực tiếp tham gia và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện nên công việc tiến triển nhanh, hiệu quả.
Đầu tư xây dựng trạm y tế, chỉ tiêu về giảm nghèo sẽ không thấy ngay nhưng khi người dân được chăm sóc sức khỏe tốt, họ mới có lực để thoát nghèo bền vững. |
Luôn điều chỉnh, hướng về phía trước
- Thông thường khi thực hiện các chương trình giảm nghèo, các đơn vị khác thường hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện chứ không tham gia trực tiếp. Với việc thực hiện chương trình 30A theo một cách rất khác (Viettel tự làm hầu hết), đâu là vấn đề “nhức đầu” nhất mà Viettel gặp phải?
Hài hoà với độ chênh của địa phương. Đơn cử như việc hỗ trợ xây nhà cho người nghèo. Ban đầu, chúng tôi tính là kết hợp để cùng làm vì địa phương có ngân sách cho việc đấy. Nhưng đụng đến tài chính thì địa phương phải lấy từ ngân sách nên sẽ chậm hơn, còn Viettel là cơ chế doanh nghiệp, lãnh đạo quyết một cái là có tiền để làm ngay.
Do không đồng bộ về thời gian, những việc như thế sẽ kéo dài. Một cái nhà nếu xây trong 6 tháng thì hiệu quả chứ tiền về nhỏ giọt rồi cả năm mới xong thì không ổn. Cuối cùng chúng tôi khắc phục bằng cách tự mình đầu tư hết. Đằng nào cũng làm thì hãy làm cho tới, còn để người dân chờ lâu quá thì họ nản.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu là địa phương cũng có cái khó của họ. Nhức đầu là ở chỗ đó.
- Bên cạnh cách làm khác biệt về xoá đói giảm nghèo, còn có thêm nhân tố nào giúp cho Viettel thực hiện chương trình 30A hiệu quả, với tỷ lệ giảm nghèo trung bình ở 3 huyện trong 10 năm là 6,85%/năm?
Thực ra thì không phải đến đề án 30A chúng tôi mới thực hiện các chương trình có mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trước đó, Viettel đã thực hiện nhiều chương trình từ thiện, xã hội trên phạm vi cả nước tương tự như vậy. Do đó, chúng tôi cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm tốt để có thể áp dụng cho 3 huyện Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hoá) và Đắk Rông (Quảng Trị). Tất nhiên là khi làm sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của địa phương nhưng nhìn chung là hiệu quả tốt.
Đơn cử như việc xây dựng nhà bán trú dân nuôi kiên cố là chúng tôi áp dụng kinh nghiệm từ Điện Biên. Tôi nhớ lần đó là đi công tác ở Mường Nhé (Điện Biên) và gặp một thầy hiệu trưởng để bàn về chương trình hỗ trợ cho các học sinh người dân tộc.
Khi đi khảo sát thì đến ven suối, thầy chỉ cho chúng tôi các lán trại mà bố mẹ các cháu học sinh dựng để ở tạm cho kỳ học, tôi tự nhiên rùng mình. Ở một cái lán trại như vậy ở miền núi thì có bao nhiêu nguy hiểm tiềm ẩn như lũ ống, lũ quét, rồi với các cháu nữ thì chỗ ở tạm trống hoác như vậy thì rất không an toàn.
Sau đó, Viettel tài trợ xây dựng khu nhà bán trú dân nuôi kiên cố, giúp hàng trăm cháu học sinh có nơi ở an toàn, kiên cố trong suốt kỳ học và không còn phải ở những lán trại tạm bợ như trước. Các cháu học sinh có chỗ ở an toàn, học hành cũng sẽ tốt hơn.
- 10 năm thực hiện chương trình 30A, ông nghĩ Viettel đã đúc rút được gì khi làm chương trình này?
Sự điều chỉnh. Chúng tôi luôn nhắc nhở với nhau một điều: Không có cái gì là bất biến cả. Hôm nay tuy tốt đấy nhưng mai phải thay đổi. Điều này không chỉ đúng trong kinh doanh mà việc gì cũng thế thôi.
Ở Viettel, chúng tôi luôn nói đến điều này. Không phải hôm nay thành công thì mai cũng thành công. Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Làm từ thiện xã hội cũng thế, không được thoả mãn mà phải luôn luôn hướng về phía trước.
- Cảm ơn ông!
10 năm hỗ trợ 250 tỷ đồng để giảm nghèo Sau 10 năm, Viettel đã hỗ trợ gần 250 tỷ đồng cho hơn 4.700 hộ nghèo ở 3 huyện miền núi Mường Lát, Bá Thước (Thanh Hóa) và Đắkrông (Quảng Trị) để xây dựng nhà ở, tặng bò giống, xây dựng trường học, trạm y tế. Nỗ lực này giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện trung bình đạt 6,85%/năm - cao hơn 2,85% so với mục tiêu giảm nghèo của địa phương theo Nghị quyết 30A của Chính Phủ. Đến nay, Viettel đã trao hơn 2.500 con bò giống, 2.200 ngôi nhà đến tận tay các hộ nghèo tại 3 huyện (Mường Lát gần 1.200 con & 355 ngôi nhà, Bá Thước gần 700 con bò & 440 ngôi nhà, Đắkrông gần 600 con bò & 1.469 ngôi nhà). Song song, Viettel cũng tài trợ xây dựng 13 công trình (gồm 8 trạm y tế, 3 trường học, 2 nhà bán trú) trên địa bàn 3 huyện Bá Thước, Mường Lát (Thanh Hóa) và Đắkrông (Quảng Trị). |
Thùy Chi (thực hiện)