Vụ cháy chung cư Grenfell Tower ở London ngày 14.6.2017. (Ảnh: EPA)
Sau vụ cháy chung cư Grenfell Tower ở London năm 2017 khiến 71 người thiệt mạng, Chính phủ Anh siết chặt kiểm soát an toàn phòng cháy chữa cháy sau khi kết quả điều tra độc lập về vụ hỏa hoạn công bố năm 2019 khuyến nghị chính phủ cần sửa đổi luật.
Năm 2022, Chính phủ Anh ban hành Luật An toàn Phòng cháy Chữa cháy, có hiệu lực từ tháng 1.2023, quy định chi tiết nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà văn phòng và công cộng và chung cư cao tầng và đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Theo luật mới, chủ các chung cư cao tầng tại Anh phải cung cấp cho cơ quan phòng cháy chữa cháy và cứu hộ các thông tin cần thiết để các cơ quan này xây dựng kế hoạch ứng phó khi xảy ra hỏa hoạn/sự cố, đồng thời phải cung cấp hướng dẫn an toàn phòng cháy chữa cháy cho cư dân tòa nhà.
Thông tin chủ chung cư phải cung cấp cho cơ quan phòng cháy chữa cháy và cứu hộ gồm sơ đồ tòa nhà và sơ đồ thiết bị phòng cháy chữa cháy của tòa nhà; thiết kế và vật liệu của hệ thống tường ngoài tòa nhà. Các thông tin này phải được cập nhật cho cơ quan chức năng khi có thay đổi.
Đối với cư dân, chủ chung cư phải cung cấp thông tin hướng dẫn an toàn hỏa hoạn, gồm hướng dẫn về cửa chống cháy trong an toàn cháy nổ, cách báo cháy và cách xử trí khi xảy ra hỏa hoạn dựa trên kế hoạch sơ tán của tòa nhà và phải tập huấn cho cư dân về an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là cách sử dụng cửa khẩn cấp và các lối thoát hiểm.
Về yêu cầu phòng cháy chữa cháy, tòa nhà chung cư luôn phải có 2 cửa thoát hiểm, phải có hệ thống phát hiện và cảnh báo cháy, đèn khẩn cấp và các thiết bị chữa cháy; phải lắp đặt hộp thông tin an toàn, trong đó cung cấp sơ đồ các tầng và các thiết bị phòng cháy chữa cháy trong tòa nhà và thông tin liên hệ của những người chịu trách nhiệm về tòa nhà; và lắp đặt các biển báo như số căn hộ, số tầng, biển báo thoát hiểm… Các biển báo này phải nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc có khói.
Chủ chung cư phải kiểm tra định kỳ hằng tháng hoạt động của các thang máy sơ tán và các thang máy và các thiết bị phòng cháy chữa cháy mà lính cứu hỏa sẽ sử dụng khi xảy ra hỏa hoạn, đảm bảo hệ thống báo cháy và các thiết bị phòng cháy chữa cháy luôn hoạt động tốt, các lối thoát hiểm trong tòa nhà luôn thông thoáng, dễ mở.
Chủ chung cư có trách nhiệm báo cáo cơ quan phòng cháy chữa cháy khi có các thiết bị phòng cháy chữa cháy hỏng hóc mà chưa sửa được trong vòng 24h.
Đối với các chung cư cao hơn 11m, chủ chung cư phải kiểm tra định kỳ hằng năm các cửa ra vào các căn hộ (là cửa chống cháy) và kiểm tra hàng quý tất cả các cửa chống cháy ở các khu vực chung trong tòa nhà.
Chủ chung cư cũng có nghĩa vụ thực hiện đánh giá rủi ro hỏa hoạn của tòa nhà và thường xuyên thực hiện đánh giá lại, thông báo cho cư dân về những rủi ro có thể xảy ra; xây dựng kế hoạch an toàn phòng cháy chữa cháy và kế hoạch sơ tán, theo đó đảm tất cả các lối thoát hiểm đều thông thoáng; dễ thấy, dễ tiếp cận, đủ cửa thoát hiểm cho tất cả cư dân.
Các tòa nhà phải đảm bảo các thiết bị phòng cháy chữa cháy luôn hoạt động tốt. (Nguồn: Croner-i)
Các quy định phòng cháy chữa cháy tương tự cũng được áp dụng cho các tòa nhà văn phòng, tòa nhà công cộng, với chủ tòa nhà, người sử dụng lao động có nghĩa vụ, trách nhiệm tương tự.
Tại Anh, việc giám sát thực hiện quy định an toàn phòng cháy chữa cháy được thực hiện nghiêm ngặt. Cơ quan cứu hỏa và cứu hộ địa phương định kỳ và bất thường đến các tòa nhà để kiểm tra công tác đánh giá rủi ro hỏa hoạn và các biện pháp phòng cháy có phù hợp hay không và đưa ra khuyến cáo không chính thức nếu các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy chưa đầy đủ.
Trong trường hợp qua kiểm tra phát hiện tòa nhà có rủi ro cao hoặc rủi ro nghiêm trọng ngoài tầm kiểm soát về an toàn phòng cháy chữa cháy, cơ quan phòng cháy chữa cháy sẽ đưa ra thông báo cưỡng chế các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy hoặc thậm chí ra lệnh cấm sử dụng tòa nhà nếu nhận thấy nguy cơ cháy nổ nghiêm trọng.
Khi được cơ quan phòng cháy chữa cháy khuyến nghị hoặc thông báo về việc áp dụng các biện pháp phòng cháy chữa cháy mà không thực hiện, hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định về các biện pháp phòng ngừa hỏa hoạn đến mức gây nguy cơ tử vong hoặc bị thương nặng trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, chủ tòa nhà có thể bị phạt tiền ở mức không giới hạn và/hoặc phạt tù đến 2 năm.
Các vi phạm khác như cố ý làm sai lệch hồ sơ phòng cháy chữa cháy, cung cấp thông tin sai lệch hoặc cản trở thanh tra viên, không cung cấp thông tin cũng đều bị xử lý nghiêm.
Cảnh sát cho biết một trong những yếu tố quan trọng là việc thực hiện nghiêm quy trình cấp phép xây dựng các tòa nhà, bao gồm chung cư - từ lúc xây dựng đến khi đưa vào sử dụng thương mại- với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương (ở Anh là các Hội đồng địa phương), Sở Cứu hỏa và lực lượng cảnh sát.
Để cấp phép xây dựng một tòa nhà chung cư, ngoài các yêu cầu luật định về phòng cháy chữa cháy, Hội đồng địa phương xem xét rất kỹ các yếu tố đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, như địa điểm xây dựng có đủ điều kiện để thực hiện chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn, điều kiện hạ tầng chung như đường điện, đường nước… có đáp ứng yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy khi xây dựng thêm một chung cư mới tại khu vực, việc xây dựng một chung cư mới có ảnh hưởng tới an toàn phòng cháy chữa cháy cho cư dân tại các tòa nhà hiện có ở khu vực…
Sau Hội đồng địa phương, dự án phải được Sở Cứu hỏa và cơ quan cảnh sát địa phương xem xét, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy và an ninh.
Chủ đầu tư phải chấp hành luật nghiêm túc nếu không muốn mất tiền đầu tư vào dự án. (Nguồn: BBC)
Trước khi được phê duyệt, thông tin về dự án được dán tại địa điểm xây dựng trong 2 tuần để người dân có ý kiến về ảnh hưởng của việc xây dựng công trình đối với an ninh, an toàn khu vực.
Sau khi được cấp phép và hoàn thành xây dựng, dự án phải được được 3 cơ quan này nghiệm thu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định và đúng thiết kế phê duyệt ban đầu, thì mới được cấp phép đưa vào sử dụng.
Theo cảnh sát thủ đô London, việc cấp phép sử dụng thương mại buộc chủ đầu tư phải chấp hành luật nghiêm túc nếu không muốn mất tiền đầu tư vào dự án.
Lực lượng phòng cháy chữa cháy cũng có trách nhiệm lớn trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài công tác chữa cháy, cơ quan phòng cháy chữa cháy phải thực hiện kiểm tra hàng ngày công tác phòng cháy chữa cháy tại địa bàn phụ trách và xử lý vi phạm rốt ráo, theo sát quá trình thực hiện các biện pháp khắc phục.
Quan trọng hơn lực lượng này phải nắm vững địa bàn, xây dựng phương án chữa cháy chi tiết cho từng tòa nhà trong khu vực để chủ động điều động nhân sự, phương tiện phù hợp khi xảy ra sự cố.
Các chủ chung cư ở Anh cũng coi trọng việc chuẩn bị sẵn sàng phương án cứu hộ, sơ tán để thực hiện khi hỏa hoạn xảy ra.
Những người làm nhiệm vụ tại tòa nhà như quản lý hành chính, kỹ thuật, bảo vệ, phục vụ đều phải được tập huấn và phòng cháy chữa cháy thường xuyên, định kỳ và một số vị trí nhất định phải có chứng chỉ đào tạo về phòng cháy chữa cháy.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Anh, từ tháng 4.2022 đến hết tháng 3.2023, lực lượng cứu hỏa vùng England tham gia chữa cháy hơn 178.700 vụ hỏa hoạn trong nhà, tăng 17% so với cùng kỳ, và 116.690 vụ hỏa hoạn ngoài trời tăng 27% so với năm ngoái, 24% so với 5 năm trước và 51% so với 10 năm trước.
Trong giai đoạn từ tháng 4.2022 đến tháng 3.2023, có 259 trường hợp tử vong do hỏa hoạn, giảm hơn 5% so với năm ngoái, giảm 23% so với 5 năm trước và 9,4% so với 10 năm trước.
TTXVN