【bd kq nhat】Cảnh báo ngập lụt kéo dài, đề phòng lũ quét, sạt lở đất
Sạt lở tại đường Hồ Chí Minh qua A Lưới |
Sáng 15/11, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã phát đi tin lũ khẩn cấp trên sông Hương, tin lũ trên sông Bồ và cảnh báo lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mực nước lúc 8 giờ ngày 15/11 trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long đạt 4,21m, lớn hơn báo động (BĐ) 3 0,71m. Sông Bồ tại trạm Phú Ốc 4,38cm, nhỏ hơn BĐ 3 là 0,12m. Sông Ô Lâu tại trạm Phong Bình 1,87m. Sông Truồi tại trạm Truồi 3,07m,
Dự báo trong sáng và trưa 15/11, lũ trên các sông tiếp tục lên và sẽ đạt đỉnh, sông Hương tại trạm Kim Long đạt đỉnh ở mức 4,4m trên BĐ3 0,9m, sông Bồ tại trạm Phú Ốc đạt mức 4,5m, bằng BĐ3, sau xuống chậm, riêng sông Truồi tiếp tục xuống chậm.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cảnh báo nguy cơ cao ngập lụt kéo dài ở vùng trũng thấp, khu đô thị, sạt lở ven sông Bồ, sông Hương, sông Truồi; nhất là tại các huyện, thị Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, TP. Huế, Phú Lộc, Nam Đông.
Các địa phương đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi. Nước chảy xiết ở các ngầm, tràn, các đoạn đường ngập sâu. Ngập lụt trên khu vực ven sông suối và các vùng thấp trũng, các khu đô thị. Sạt lở các công trình đang thi công. Ngập, trôi các ao hồ, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản.
Người dân TP. Huế bì bõm trong nước lũ |
Tại KM H9-395 đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) bị sạt lở nghiệm trọng, dài khoảng 25m, hiện phương tiện không lưu thông được. Tại thôn A Roàng 2, xã A Roàng mưa lũ làm thiệt hại 4 con dê và bị sạt lở một số diện tích đất trồng vườn cao su, keo tràm và khu vực phía sau nhà người dân. Đặc biệt, tại Đồn biên phòng Hương Nguyên, tại khu vực vườn cây gần nhà để xe của đơn vị này, phía trên kè đá đã xuất hiện sạt lở khối lượng đất sạt khoảng 80m3. Ngoài ra, hiện nay đoạn đường Hồ Chí Minh có nguy cơ sạt lở cao, gây ách tắc giao thông trên tuyến.
Tính tới thời điểm hiện tại, các hồ đập trên địa bàn vẫn hoạt động an toàn và tham gia điều tiết lũ khi mưa ở thượng nguồn Nam Đông rất lớn.
Cụ thể, trong sáng cùng ngày, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 (Bộ NN&PTNT) cho biết, căn cứ lượng nước về hồ, nhằm tham gia cắt giảm lũ cho hạ du, hồ thủy lợi Tả Trạch thông báo chuyển đổi điều tiết từ 4 cửa sang 3 cửa tràn xả mặt. Thời gian bắt đầu thực hiện điều tiết lúc 9 giờ 10 phút ngày 15/11. Mực nước hồ Tả Trạch lúc 9 giờ + 46,01 m. Lưu lượng đến hồ 1.327m3/s. Giảm thêm 1 cửa tràn xả khoảng 400m3/s. Lưu lượng về hạ du 1.300 đến 1.500 m3/s.
Trên địa bàn TX. Hương Thủy nhiều nơi nước ngập sâu, có nơi ngập khoảng 2m. Các địa phương đã và đang vận động, hỗ trợ người dân ở vùng thấp trủng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.
Chị Nguyễn Thị Phượng (mang thai tháng thứ 9) được lực lượng xung kích đưa đến nơi an toàn để chờ sinh |
Tính đến 9h30 sáng 15/11, một số điểm ở thôn 2 và thôn 7 của xã Thủy Phù có nơi nước ngập sâu khoảng 2m, còn tất cả các tuyến đường trên địa bàn xã ngập từ 1-1,2m và khoảng 800 hộ dân nước vào nhà.
Trong thời điểm này, tuy nước ngập khoảng 2m và chảy xiết, nhưng lực lượng ứng trực của của xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) đã tiếp cận và an toàn đưa thai phụ Nguyễn Thị Phượng (thôn 7) đến Trung tâm Y tế TX. Hương Thủy chờ sinh.
Tại xã Thủy Thanh, khoảng 60% số nhà trên địa bàn bị ngập; các tuyến đường cũng bị ngập sâu, có đoạn ngập từ 0,8 đến 1m. Chính quyền xã đã vận động bà con kê cao hoa chậu (chủ yếu là hoa cúc) phục vụ Tết Nguyên đán để tránh ngập úng. Hiện, Thủy Thanh có 120 hộ trồng hoa Tết, ước tính khoảng 50 ngàn/67 ngàn chậu hoa cần kê cao tránh ngập úng.
Các xã, phường còn lại nhiều nơi cũng bị ngập sâu, như tuyến đường An Thường Công Chúa tại P.Thủy Dương ngập trên 1m; địa bàn T6 tại P. Thủy Phương đang bị chia cắt do ngập gần 1m; tuyến đường Lợi Nông, Đại Giang, kiệt 217 Võ Trác… ở P. Thủy Châu có nơi ngập đến 1m; 11 tuyến đường giao thông ở xã Thủy Tân bị ngập từ 0,5-1m…
Riêng 2 xã vùng gò đồi là Dương Hòa và Phú Sơn, hiện giao thông nhiều nơi đang bị chia cắt do nước ngập các ngầm tràn từ 0,7-1m; riêng ngầm thôn 4 ở xã Phú Sơn nước ngập khoảng 2m.
Đến thời điểm này, tất cả những nơi nước ngập sâu, chảy xiết đã được chăng giây cảnh báo.
“Hiện, thị xã đã dự trữ 50 tấn gạo, 200 thùng mì tôm, 500 lít xăng dầu; các phường, xã đã dự trữ 58,5 tấn gạo, 1.614 thùng mì tôm, 1.100 lít xăng dầu, 27.700 lít nước uống; lực lượng xung kích các xã, phường hỗ trợ người dân gần 700 người cùng các phương tiện cứu nạn cứu hộ…Đến thời điểm này, trên địa bàn thị xã có gần 1 ngàn hộ cần di dời đến nơi an toàn”, ông Ngô Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy thông tin.
Tính đến 11h00 ngày 15/11, TP Huế đã di dời 355 hộ và 1108 khẩu đến nơi an toàn. Trong đó, nhiều nhất là ở các phường: Hương Sơ với 367 người, Phú Mậu: 96 người, Phú Thanh: 83 người, Phú Thượng: 31 người...; đồng thời, kêu gọi 100% tàu thuyền cập bến, neo đậu an toàn; tổ chức đường dây nóng 19001075 để hỗ trợ người dân trong tình huống cấp bách.
Công an phường Phú Thượng hỗ trợ di dời người dân từ các vùng thấp trũng đến nơi an toàn |
Theo thông tin bước đầu từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP. Huế, đến thời điểm này trên địa bàn chưa thiệt hại hại về người, tuy nhiên do mưa cường suất lớn đã gây ngập lụt hơn 85% địa bàn thành phố với mực nước ngập từ 0,5 đến 1,5m (một số phường, xã không xảy ra tình trạng ngập lụt như Thủy Bằng, Trường An, An Tây, Phước Vĩnh, Thủy Xuân…); nhiều diện tích nông nghiệp bị ngập úng và hư hỏng.
Để đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân ở các vùng thấp trũng, TP. Huế đã dự trữ hàng cứu trợ bão lụt tại các kho lương thực trên địa bàn, gồm 6.000 thùng mì tôm và 30 tấn gạo. UBND các phường, xã chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho Nhân dân.
Thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ, triển khai các biện pháp, thu gom các cây gãy, đỗ trên các tuyến đường, ứng cứu; tiếp tục thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải) đang hoạt động trên biển biết diễn biến của gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh; thông báo cho Nhân dân biết về diễn biến xấu của thời tiết để chủ động phòng tránh. Lực lượng Công an và Quân đội thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ người dân ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong thời gian mưa lớn xảy ra.
Ông Ngô Văn Đức, Chánh Văn phòng UBND huyện Quảng Điền cho biết, trận mưa lớn đêm 14 và sáng 15/11 gây ngập lụt làm hư hỏng khoảng 60ha rau màu vụ Đông (mức thiệt hại từ 50%-70%).
Mưa lũ làm hơn 60ha rau vụ đông có thể mất trắng |
Đêm 14 và ngày 15/11, trên địa bàn huyện Quảng Điền có mưa rất to, gây ngập lụt trên diện rộng.
Đến 10h sáng nay, các tuyến đường Tỉnh lộ 8A, Tỉnh lộ 4, liên xã, đường thôn các xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ bị ngập sâu khoảng từ 0,2 - 1,5m. Nhiều tuyến đường thôn các xã Quảng Vinh, Quảng Phú, thị trấn Sịa bị ngập sâu từ 0,2 - 1m.
Mưa lũ làm gần 500 nhà dân bị ngập sâu từ 0,1 - 0,5m.
UBND huyện lên phương án di dời gần 800 hộ dân với 1.900 khẩu ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn.
UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, các xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ. Các địa phương đã tổ chức cảnh bảo, rào chắn không cho người và phương tiện qua lại các đoạn ngập sâu, nước chảy xiết. Đã chỉ đạo tất cả trường cho học sinh nghỉ học từ sáng hôm nay (15/11/2023) theo chỉ đạo của tỉnh.
Hiện, UBND huyện Quảng Điền chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan tiếp tục triển khai các phương án ứng phó, khắc phục thiệt hại theo kế hoạch.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, lực lượng chức năng trên địa bàn TX Hương Trà đã sẵn sàng kịch bản di dời hàng trăm hộ dân ở các địa bàn xung yếu, có nguy cơ sạt lở, bị ngập sâu đến nơi an toàn...
Hằng trăm nhà dân ở xã Hương Toàn (Hương Trà) đang bị ngập sâu |
Do mưa lớn kết hợp với điều tiết của hồ Thủy điện Hương Điền, Bình Điền, đến thời điểm này nhiều tuyến đường của các địa phương ở Hương Trà bị ngập sâu. Cụ thể như ở xã Hương Toàn, phường Hương Chữ, phường Hương Văn, phường Hương Vân, phường Hương Xuân, phường Tứ Hạ... ngập từ 0,5-2m; trong đó Hương Toàn ngập 100% các tuyến đường.
Mực nước lên nhanh nên hiện toàn thị xã có 1.065 căn nhà ngập từ 0,3 đến 1,2m. Nhờ chủ động với phương châm “4 tại chỗ”, đến thời điểm này các địa phương đã di dời, sơ tán 67 hộ dân vùng xung yếu, với 162 khẩu đến nơi an toàn. Cụ thể, xã Hương Toàn 6 hộ, 17 khẩu; Hương Xuân 25 hộ, 45 khẩu; Bình Thành ,4 hộ 17 khẩu; Hương Vân 26 hộ, 65 khẩu và Hương Văn 6 hộ, 18 khẩu. Tất cả được di dời, sơ tán đến các nhà cao tầng và đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân sơ tán.
Tại thời điểm này, Công an thị xã Hương Trà tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức lực lượng giúp dân chủ động phòng tránh mưa lũ, sẵn sàng ứng trực kiểm soát giao thông tại các khu vực đường xảy ra ngập lụt, các ngầm, tràn... để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn; nghiêm cấm người và phương tiện qua lại các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua Quốc lộ 1A, đường tránh TP. Huế qua địa bàn.
Thiếu tá Ngô Anh Đức, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hương Trà cho hay, đơn vị đang phối hợp với các ban, ngành chức năng và chính quyền các địa phương ứng trực sẵn sàng sơ tán các hộ dân ở vùng nguy hiểm, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ven sông suối, vùng thấp trũng hạ du các hồ thủy điện... khi tình hình mưa lũ tiếp tục có diễn biến mới.
Cũng theo Bác sĩ Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà, đơn vị đã triển khai đầy đủ các phương án ứng phó trong tình hình mưa lũ, tiến hành điều chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên để đảm bảo điệu trị an toàn. Các trạm y tế xã, phường chuẩn bị đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị dụng cụ cấp cứu; huy động y, bác sĩ túc trực tại đơn vị nhằm đảm bảo ứng phó trong thời điểm xảy ra mưa lũ...
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Vang, hiện trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn ngập sâu đến 1,5 mét. Gần 200 nhà bị nước ngập đến 0,3 mét, tập trung ở các xã Phú Hồ, Phú Mỹ, Phú Lương...
Chính quyền và các lực lượng xã Phú Lương giúp người dân di dời đến nơi an toàn |
Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn như tuyến đường Tỉnh lộ 3 đoạn qua xã Phú Hồ, Phú Lương; nhiều tuyến đường liên thôn ngập sâu đến 1,5 mét, kiệt vào nhà dân ngập sâu đến 1,2 m; Tỉnh lộ 10 A, tỉnh lộ 10 C có đoạn ngập sâu từ 0,4 - 0,6m … Nước lũ cũng làm chia cắt nhiều thôn và nhiều tuyến đường gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân tại các xã vùng thấp trũng.
Hiện, lãnh đạo huyện Phú Vang tập trung triển khai công tác phòng chống lũ lụt; chỉ đạo cho các địa bàn thấp trũng như Phú Lương, Phú Hồ, Phú Mỹ, Phú Gia, Vinh Hà… thường xuyên kiểm tra tình hình mưa lũ, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, những hộ không đảm bảo an toàn. Chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói. Nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước chảy xiết, ngập sâu…
Trong khi nhiều vùng còn ngập sâu trong nước lũ, dự báo trên địa bàn tỉnh những ngày tới sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 -300mm, có nơi trên 500mm.
Người dân di chuyển bằng thuyền trên phố |
Mực nước sông Hương tại Kim Long trưa ngày 15/11 đã đạt +4,24, vượt báo động 3 0,74 m và vượt đỉnh lũ năm 2020 là 0,07 m. Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong sáng nay mưa vẫn như trút xảy ra trên diện rộng, trong đó khu vực xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) trên 1.000 mm, xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông) là 989 mm…
Trong sáng và trưa nay, lũ trên các sông tiếp tục lên và sẽ đạt đỉnh, sông Hương tại trạm Kim Long đạt đỉnh ở mức 4,4m trên báo động 3 là 0,9 m (đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 5,81 m); sông Bồ tại trạm Phú Ốc đạt mức 4,5m, bằng báo động 3, sau xuống chậm.
Trong khi đó, theo dự báo từ ngày 15 đến 17/11 tại địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Mực nước trên các sông duy trì ở mức cao trên báo động 3, gây ngập lụt diện rộng. Các địa phương cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.
Tại thành phố Huế, gần như các tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan ....) ngập bình quân 0,4-0,6m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa, Tố Hữu, Lê Minh, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ, Phan Anh,...) ngập bình quân 0,3-0,5m.
Vùng hạ du sông Ô Lâu qua huyện Phong Điền cũng ngập sâu. Trên Quốc Lộ 49B (Phong Hòa đi Điền Hải) bị ngập nhiều điểm, mức ngập sâu nhất là 0,4 m (đoạn qua xã Phong Hòa), tổng chiều dài bị ngập hơn 520m. Tuyến Tỉnh lộ 6 (Thị trấn Phong Điền đi Phong Chương) bị ngập một số điểm, mức ngập sâu nhất là 0,3 m (đoạn tràn Khúc Lý - Ba Lạp, xã Phong Thu), tổng chiều dài hơn 120m.
Các địa phương Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền đã tiến hành di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Riêng TP. Huế, đã di dời 355 hộ và 1108 khẩu, kêu gọi 100% tàu, thuyền cập bến, neo đậu an toàn. UBND TP. Huế đã dự trữ hàng cứu trợ bão lụt tại các kho lương thực với 6.000 thùng mì tôm, 30 tấn gạo. Ngoài ra, đã chỉ đạo UBND các phường, xã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong đó chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, mưa lũ. Phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt.
Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn khi xảy ra mưa lũ. Công an các xã đã ứng trực sẵn sàng ứng phó. Điều động 800 cán bộ chiến sỹ và các phương tiện cứu hộ cứu nạn cần thiết để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
Trong 6 giờ tới, tại Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 40 -80mm, có nơi trên 100mm.
Các chủ phương tiện thuê xe cầu, đưa xe ô tô đến nơi cao ráo hơn |
Tính đến chiều 15/11, nhiều nơi ở TP. Huế và các địa phương vẫn ngập sâu. Đặc biệt, các tuyến phố chính vẫn còn mênh mông nước, người dân đi lại trên phố bằng thuyền. Dọc các trục đường, nhiều phương tiện ô tô cá nhân đậu đỗ tránh lũ bị nước nhấn chìm hơn nửa xe.
Các chủ phương tiện thuê xe cầu, đưa ô tô đến nơi cao ráo hơn. Tại đường Phạm Văn Đồng (TP. Huế), hàng trăm ô tô cá nhân đậu đỗ ven đường từ khu vực phường Phú Thượng trở lên phía phường Xuân Phú bị ngập sâu phải cẩu đi nơi khác. Người dân cũng bắt đầu đổ ra đường mua nhu yếu phẩm phòng khi lũ dài ngày.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ trưa 15/11, đã có mưa to, có nơi rất to, lượng mưa một số nơi như Truồi 127.8mm, Huế 131.2mm, Kim Long 134mm, Phong Điền 176,2 mm, Cổ Bi 214.8mm. Mô hình độ ẩm đất cho thấy khu vực đã gần bão hòa (trên 95%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đưa ra cảnh báo, trong 6 giờ tới, tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, đặc biệt các huyện Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, TX. Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Lộc, TP. Huế và ngập úng kéo dài tại các khu đô thị và vùng trũng thấp.
Theo thông tin ban đầu, lúc 10 giờ 30 ngày 15/11, trên địa bàn phường Hương Vinh, TP. Huế, đã xảy ra vụ lật ghe chở 8 người ở cầu Điển Thượng- Thế Lại Thượng.
Vụ tai nạn lật ghe khiến 2 người (2 mẹ con) bị nước lũ cuốn trôi, 6 người may mắn thoát nạn. Hiện nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy được thi thể nạn nhân bà mẹ là H.T.B (sinh năm 1983), đưa thi thể về bệnh viện và người nhà đang tới nhận dạng. Riêng người con gái N.T.H (sinh năm 2005) bị lũ cuốn trôi mất tích, lực lượng chức năng vẫn đang tổ chức tìm kiếm.