Ngã tư ấy là nơi những chuyến xe đò dừng lại để đón khách. Quán nước che vội bằng những tấm vải nhựa đã phai màu,ảivàngcứchaotronggiólịch hạng nhất bằng những chiếc dù khuyến mãi của một đơn vị cung cấp sơn với hàng chữ chạy ngồ ngộ: “Sơn đâu cũng đẹp”, xen kẽ là chiếc dù của một thương hiệu cà phê: “Thơm ngon đến giọt cuối cùng”. Thật ra, tất cả những người đang ngồi ở quán nước ven đường ấy chẳng quan tâm đến tấm vải nhựa bạc màu, chẳng chú ý đến mấy chữ viết trên chiếc dù. Mọi người đều đưa mắt nhìn ra con lộ với những chuyến xe lao đi, lao về. Tất cả đều đợi chờ để có một chỗ ngồi trên cuộc hành trình trở về của mình trên một chuyến xe nào đó.
Lý do để ngã tư, nơi quán nước tạm bợ dựng lên luôn đông người chờ đợi những chuyến xe trong cuộc hành trình Bắc Nam dừng lại, dăm người bước xuống hoặc dăm người bước lên, rồi lao trong dặm trường ấy - vì con đường đất đỏ buồn buồn bên cạnh đưa tới một Trại giáo dưỡng thanh thiếu niên hư. Những người chờ xe là chờ đợi trở về sau khi đi thăm con hoặc cháu của mình. Có thể, họ cũng chỉ vừa xuống xe, để kêu một cuốc xe thồ vào trong trại thăm nuôi. Rất ít người đi thăm nuôi là đàn ông, phần lớn là những người đàn bà với giỏ xách trĩu nặng, ở trong đó đủ thứ đồ ăn linh tinh cho một con người bước chân vào vòng lao lý khi tuổi đời còn quá trẻ.
Ông Năm xe thồ, cái tên gọi quen như vậy có thể ông vào hàng thứ năm trong gia đình, đều đặn chở khách thăm nuôi đến trại giáo dưỡng. Cái giá bất di bất dịch của ông cho mỗi cuốc xe gần 6 cây số từ lộ vào trong trại là 20.000 đồng. Ông Năm bảo cái giá đó là giá vừa phải, vì có nhiều người rất nghèo, họ làm thuê hay buôn bán lặt vặt, phải nhịn ăn nhịn mặc để mỗi tháng mới có tiền đi thăm nuôi con mình.
Ông Năm xe thồ còn làm thêm một cái nghề cũng rất lạ. Đó là ông viết đơn xin thăm nuôi, ông viết đơn xin giảm thời gian cải tạo hay ông hướng dẫn thân nhân của những trẻ phạm tội kia đường đi nước bước cho một chuyến thăm nuôi. Khi rảnh rỗi, ông lại kêu xị rượu, mồi là một ít cá khô hay quả trứng vịt chiên. Cuộc đời của ông như thế là đủ.
Tôi đến ngã tư này như một tình cờ, đó là công việc của một kỹ sư cầu đường, đi đây đi đó, để mở những cung đường mới. Theo kế hoạch, đơn vị của tôi sẽ xây dựng chiếc cầu mới nối liền bên này qua bên kia con sông của dòng sông có cái tên là: Sông Quéo. Cái tên như gắn liền với một sự tích nào đó, và có khả năng con sông Quéo này được đặt tên vì nó cứ uốn vòng mãi trước khi nhập dòng nước của mình về biển cả. Lán trại của chúng tôi cách ngã tư, nơi có quán nước buồn buồn đó chỉ vài trăm mét. Và cũng từ ngày có đoàn công nhân cầu đường của chúng tôi tới làm việc, quán mở bán thêm đồ nhậu vào buổi chiều, để giúp cho những công nhân xa nhà có thú tiêu sầu. Thỉnh thoảng, vài cán bộ quản giáo của Trại giáo dưỡng thiếu niên bên trong kia cũng ghé qua quán lai rai dăm chai bia hay uống xị rượu trong cái nhập nhoạng buồn của buổi chiều.
Thỉnh thoảng, tôi lại nhờ ông Năm chở ra phố để mua vài vật dụng cần thiết. Ông nhiệt tình chở tôi đi, đôi khi tấm tắc khen tôi giỏi giang, chả bù với ông có một đứa con trai, mà chẳng giúp được gì. Ông Năm nhắc đến con trai của mình, nói: “Thằng Hoàng dễ thương lắm, gương mặt nó giống tôi như khuôn, nó hiền lắm”. Nhưng tôi chỉ thấy ông rất lẻ loi trong căn nhà vá víu bằng những mảnh gỗ cũ, bằng những miếng tole đã cũ, chẳng thấy con trai của ông đâu? Tôi lại vốn rất thận trọng khi hỏi chuyện về đời tư của một con người. Bởi đôi khi những câu hỏi của mình làm cho đối tượng của mình không vui. Thôi thì cứ biết những gì trước mặt, vì cuộc sống cứ liên tục khép mở ngày, khép mở tháng. Ta còn phải lo nhiều việc trên con đường vốn vô cùng bận bịu của ta, huống chi là chuyện liên quan đến người khác.
Hôm đó, trời mưa vùi. Vùng đất này còn nhiều rừng, lại cách núi không xa, nên cách mưa ở đây cũng khác những cơn mưa trên phố. Mây mù chùng xám cả một không gian của dãy núi, rồi kéo theo những đợt gió, ném xuống từng vạt nước như rải xuống nhân gian cơn giận dữ của đất trời. Tôi bị mắc mưa giữa đường, gần nhà ông Năm xe thồ khi tôi vừa lang thang qua cánh rừng. Không còn cách nào khác, tôi phải vào nhà của ông Năm trú mưa.
Người đàn ông chừng 50 tuổi, da mặt đen có lẽ vì phải đi dưới nắng quá nhiều ấy đang lui cui bên bếp lửa. Bếp lửa bằng ba cục đá kê lên, củi được lấy từ trong rừng. Ngoài trời mưa tạt, trong nhà tiếng lửa reo khiến cho tôi cảm thấy sảng khoái. Ông Năm cười to như muốn át cả tiếng mưa:
- Mưa rừng nó ào một cái rồi lại đi. Giống như cái nhân duyên của đời người đó mà.
Tôi chỉ “dạ” là một cách hưởng ứng với ông. Ông Năm lại nói tiếp:
- Tôi mới đặt lờ bắt được ít cá. Để tôi nướng lên rồi chú cháu mình lai rai trong chiều mưa buồn nghe chú Minh?
Tôi cũng chẳng thể nào về trong cơn mưa. Vả lại tôi cũng đang rảnh rỗi, thôi thì làm vài ly rượu cùng ông trong mưa cho ấm lòng.
Câu chuyện ông kể với tôi trong cơn mưa hôm nọ khiến cho tôi nhìn ông dưới một cái nhìn khác. Ông là một người cha tội nghiệp.
Lý do ông làm nhà ở ngã tư đường, nơi những chuyến xe thả khách xuống và đón khách về để vào trại giáo dưỡng thăm nuôi là vì ông có đứa con trai tên Hoàng, mà ông đã từng nhắc tên với tôi, năm nay chỉ mới 15 tuổi, đang ở trong trại giáo dưỡng kia. Ông kiên trì đợi con ra trại để đón con về. Vì thế ông bỏ tất cả để ở lại đây, hàng ngày ông mong gặp con, như để chuộc lại lỗi lầm mà ông đã làm cho con ông trở thành một đứa con hư.
- Vợ chết sớm, một mình tôi nuôi thằng Hoàng - Ông nói với tôi như thế.
- Lúc đầu tôi tự nhủ là sẽ không bước thêm bước nữa, sẽ ở vậy nuôi con trưởng thành. Nhưng làm sao được khi tôi vẫn còn trẻ, nhất là ở trong nhà thiếu một người đàn bà như thiếu đi hơi thở của cuộc sống. Rồi tôi yêu một người đàn bà. Chuyện một người đàn ông góa vợ yêu một người đàn bà đã góa chồng là chuyện bình thường. Nhưng khi vợ sau của tôi, Liễu về ở cùng với đứa con trai của Liễu lớn hơn thằng Hoàng nhà tôi một tuổi là bắt đầu xảy ra những mâu thuẫn. Tôi thường xuyên đi làm vắng nhà, thằng Hoàng ở nhà với mẹ kế và con của mẹ kế.
Cũng từ đó, mâu thuẫn cha con lớn dần khi Liễu yêu thương con riêng của mình hơn Hoàng, còn tôi lại là một người cha vô tâm, không chú ý đến đứa con riêng của mình. Tôi lại không phát hiện ra Hoàng đổi tính, lầm lì ít nói và thường xuyên vắng nhà. Tôi không biết rằng thằng Hoàng bị bỏ rơi trong căn nhà của nó. Nó có cảm giác như một người ở trọ, không được yêu thương. Rồi có một lần, vì nó cãi lại với Liễu, tôi đã đánh nó một trận thừa sống thiếu chết.
Giọng ông Năm chậm rãi trong buổi chiều mưa buồn ấy. Ông kể là cho đến khi Hoàng bỏ đi hoang, theo một băng nhóm trộm cắp. Nó để lại một bức thư nói rằng nó không thể sống trong căn nhà mà nó trở thành người dưng. Năm ngày sau thì ông nghe tin nó bị bắt trong một vụ trộm cắp, sau đó thì đưa vào tại giáo dục trẻ em hư vì còn ở tuổi vị thành niên.
Ông đã tìm tới nơi, nhưng Hoàng nhất định không nhận mặt cha. Ông vì con, đã từ bỏ cuộc tình ghép nối của mình, đến đây dựng nhà, hàng ngày chạy xe thồ kiếm sống đợi ngày con ra khỏi trại.
Tôi đã rời khỏi ngã tư, nơi có quán nước che tạm bợ cho những người khách đợi những chuyến xe Bắc Nam đi qua hơn năm rồi. Hôm nay tôi tình cờ ghé lại chốn cũ. Căn lều che tạm của ông Năm xe thồ giờ đây đã bị gỡ tole, gỗ hoặc thứ gì có thể bán được, Bên cạnh ngôi nhà là vạt cải ông trồng để tự túc rau xanh đã lên ngồng, nở ra một màu vàng chao đảo trong gió. Chắc chắn là ông Năm xe thồ sẽ không trở lại chốn này. Ông đã thực hiện được mục đích của mình. Và ông mặc kệ cho luống cải của mình hoa vàng cứ chao trong gió. Bởi ông đã đón con trai của ông trở về.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG