Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang càng làm tăng tâm lý lo ngại về diễn biến tỷ giá cuối năm. Tuy nhiên, theo phân tích của một số công ty, rủi ro đồng Việt Nam mất giá mạnh là không lớn.
Điều chỉnh lãi suất để ổn định tỷ giá
Theo ghi nhận của bộ phận phân tích Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), chỉ trong nửa cuối tháng 6 và đầu tháng 7, tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh tới 250 đồng so với nền giá duy trì trong hơn một năm qua, tương đương mức tăng 1,1% chỉ trong vòng 1 tháng và giao dịch ở mức 23.010 - 23.080 trên thị trường ngân hàng. Tỷ giá tự do cũng chịu áp lực và tăng mạnh 360 đồng lên mức 23.180 - 23.230 đồng/USD, chênh lệch giá mua - bán tăng từ 20 lên 50 đồng.
Sức ép lên tỷ giá trong tháng 6 đến chủ yếu từ yếu tố bên ngoài kết hợp với tâm lý bên trong. Hàng loạt các đồng tiền trên thế giới đã mất giá nhanh trong tháng 6 do Mỹ chính thức áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang. Việc FED tăng lãi suất lần thứ hai trong quý II cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất đẩy đồng USD tăng giá và nhiều đồng nội tệ mất giá. Chỉ tính từ đầu tháng 6 đến nay, đồng CNY của Trung Quốc đã mất giá 4,5%, THB của Thailand mất giá 3,8% và đồng IDR của Indonesia mất giá 3,4%. Việc các đồng tiền mất giá tạo ra tâm lý đồng VND cũng sẽ phải mất giá khiến tỷ giá tăng.
Tuy nhiên, theo SSI, nếu phân tích từ khía cạnh cung cầu ngoại tệ, thực tế cho thấy tình trạng mất cân đối cung cầu chưa lớn để đẩy tỷ giá tăng mạnh. Xuất siêu đã trở lại trong tháng 6 với giá trị 800 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất siêu từ đầu năm lên 3,74 tỷ USD hỗ trợ tích cực cho tỷ giá. Ngoài yếu tố tâm lý kể trên, tỷ giá tăng cũng xuất phát từ biến động trong giao dịch liên ngân hàng. Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng từ 1,7% lên sát 2% ở kỳ hạn qua đêm, trong khi lãi suất VND giảm mạnh nới rộng chênh lệch lãi suất USD - VND từ 0,2% lên 1,2%.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn có xu hướng thắt chặt tiền tệ cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng mạnh trong thời gian gần, tồn tại một khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tăng lãi suất VND để ổn định tỷ giá. Đây là một rủi ro quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý, vì lãi suất tăng sẽ thay đổi toàn bộ trạng thái các thị trường hiện nay.
Thực tế, hai tuần gần đây, lãi suất VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng khá mạnh ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Cụ thể, ngày 18/7, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt tăng lên 1,9%, 2,22%, 2,47% so với mức tuần trước đó lần lượt là 1,12%, 1,37%, 1,9%. Trong khi đó, lãi suất USD có xu hướng đứng yên. Cùng với việc bán ra ngoại tệ, động thái thu hẹp chênh lệch lãi suất như trên nhằm giúp tỷ giá ổn định hơn.
Sức ép giảm giá VND sẽ sớm được giải toả?
Trước bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ leo thang, FED thắt chặt tiền tệ và sự mất giá của đồng CNY, một khuyến cáo của VEPR là Việt Nam có thể giảm giá VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá đồng CNY so với USD. Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể đồng thời tận dụng hai thị trường lớn này để cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.
Tuy nhiên, đối với quan điểm này, các nhà phân tích của SSI cho rằng cần có một cái nhìn dài và tổng thể hơn. Một tháng qua, các đồng tiền trong khu vực dù mất giá nhanh hơn VND nhưng đã lên giá khá nhiều so với VND trong khoảng 1 năm qua. Điều này có nghĩa xuất khẩu Việt Nam đã được hưởng lợi trong một thời gian dài. Hơn nữa, cái lợi từ xuất khẩu cần phải cân đối với cái hại của áp lực trả nợ nước ngoài nếu giảm giá VND.
Về vấn đề này, các nhà phân tích của Công ty CP chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đánh giá rủi ro giảm giá mạnh VND trong 6 tháng cuối năm không lớn, bởi ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị các cú sốc. Ưu tiên này thậm chí còn cao hơn cả mục tiêu hỗ trợ cho hàng xuất khẩu. Thêm vào đó, rủi ro lạm phát đang tăng lên khá cao, nếu giảm giá mạnh VND sẽ càng khiến lạm phát tăng mạnh. Trên thị trường thế giới, đồng CNY nhiều khả năng khó giảm giá sâu thêm, do đó sức ép giảm giá VND sẽ sớm được giải tỏa. Về tổng thể, BVSC dự đoán tỷ giá sẽ được ưu tiên giữ ổn định từ giờ cho tới cuối năm. Mức mất giá nhiều nhất có thể chỉ 3%, còn trong kịch bản trung bình chỉ quanh mức 2%.
H.Y