Chiều nào cũng vậy,ạilnđờmarseille vs strasbourg chừng 3, 4 giờ là ông Đoàn Văn Tàu, ở khu vực 1, phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, lại ra vườn nhà cắt rau để chuẩn bị cho bữa chợ sớm mai. Từng đọt rau chuỗi ngọc, rau bồ ngót, từng lá rau má, rau mồng tơi,... thường mọc hoang dại trong rẫy ngoài ruộng thuở nào, giờ là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Đem ra chợ bán, ai cũng chặc lưỡi: Rau dại giờ đã lên đời rồi !
Cứ chiều chiều, ông Đoàn Văn Tàu, ở khu vực 1, phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, lại ra vườn cắt rau, chuẩn bị cho bữa chợ sớm mai.
Từ đồng ruộng chân phương đến đặc sản được săn đón
Gắn bó với việc trồng rau dại gần 6 năm nay, ông Tàu vui mừng khi loại rau này ngày càng được thực khách ưa chuộng với đầu ra ổn định, giá cả hợp lý. Hồi đó, nhà ông cũng trồng cây ăn trái, rồi làm ruộng như biết bao người xứ này. Những lúc rảnh rỗi, vợ ông lại ra vườn, ra bờ ruộng hái rau má, rau bồ ngót, cải trời, đọt choại để trộn lại thành rau tập tàng rồi đem ra chợ bán. Mỗi ngày được chừng vài kg rau, cũng đủ mua mắm, mua muối, phụ tiền chợ cho gia đình.
Rau trộn như thế bán càng ngày càng đắt, khách hàng quen mặt, cứ ra chợ là kiếm vợ ông để mua rau. Nhiều bữa vợ chồng ông phải đi hái ở xa, có lúc mua thêm rau của mấy người trong xóm. Thấy vậy, ông Tàu quyết định tận dụng hơn 1 công đất vườn quanh nhà để trồng rau dại (hay còn gọi là rau đồng) để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Từng luống rau bồ ngót, cải trời, huyết bò, chuỗi ngọc, mồng tơi, rau má,... bắt đầu được hình thành và duy trì cho đến ngày hôm nay.
Vào những lúc cao điểm, vườn rau của gia đình ông Tàu có thể cung cấp cho thị trường hơn 30kg rau tập tàng mỗi ngày. Ngoài ra, ông còn trồng thêm cây cách, rau răm, rau diếp cá, ngò gai, ngò om,... và nhiều loại rau theo mùa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực khách. Không chỉ bán lẻ ngoài chợ, ông còn bỏ mối cho các quán ăn tại địa phương. Thỉnh thoảng cũng có thương lái đến tìm ông để mua rau, cung cấp cho các thị trường lớn như thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh. Vừa trồng, vừa mua thêm của hàng xóm, nhưng nhiều lúc, ông Tàu cũng rơi vào tình trạng “cung không đủ cầu”.
Ông Tàu chia sẻ: “Trồng rau đồng này tôi thấy có lý, ít sử dụng phân thuốc hóa học so với các loại rau khác. Tôi thường hay ủ phân rơm với lại tro trấu, qua mỗi đợt cắt là tôi rải sương sương thêm để rau tốt hơn thôi”. Cũng chính vì những ưu điểm này mà rau đồng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và chọn mua cho bữa ăn của mình. Khi cuộc sống đã đầy đủ, sung túc, nhiều người cũng chú trọng hơn đến chất lượng thực phẩm. Bên cạnh những loại rau sạch, rau trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, thì người tiêu dùng cũng bắt đầu tìm mua những loại rau đồng, rau dại như thế này.
Như ông Nguyễn Quốc Chiến, ở ấp 2, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, từng sống nhiều năm tại thành phố Cần Thơ, ông cũng từng là một thực khách rất ưa chuộng và hay tìm mua rau đồng về để ăn. Bởi với ông, rau dại không chỉ là loại rau ngon và sạch, mà còn gắn liền với nhiều ký ức tuổi thơ và tuổi trẻ. Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn sâu, rau đồng là thức ăn cốt yếu trong bữa cơm hàng ngày của gia đình ông và biết bao người. Năm 17 tuổi, ông Chiến xung phong tham gia cách mạng. Những năm kháng chiến, thường xuyên ở trong rừng, rau dại trở thành món ăn nuôi quân, giúp đơn vị của ông Chiến no lòng để hoàn thành nhiệm vụ.
Sau giải phóng, ông Chiến sống và làm việc tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ở đất Tây Đô phồn hoa, náo nhiệt, nhưng ông Chiến luôn nhớ da diết cuộc sống dân dã, bình dị ở thôn quê, nhớ những bữa cơm với cá đồng, rau đồng. Cách đây 6 năm, sau khi nghỉ hưu, ông Chiến quyết định “bỏ phố về quê” để trồng cây ăn trái và nuôi cá. Trong khu vườn nhà mình, ông trồng thêm rau đắng, rau má, kèo nèo, bông súng,... để sử dụng cho những bữa ăn hàng ngày. “Hồi xưa ở đô thị thì mình không có điều kiện trồng mấy rau này, mà rau đồng ở ngoài chợ thì rất là đắt. Bây giờ tôi ăn rau đồng là chủ yếu, ít mua rau chợ lắm. Ăn rau đồng thì tôi thấy yên tâm hơn, nó còn có vị thuốc nam để điều trị bệnh, tốt cho sức khỏe”, ông Chiến cho biết.
Từ những loại rau mọc tự nhiên ở đồng ruộng chân phương, giờ đây, rau dại đã trở thành món ăn được lòng thực khách, được săn đón trên thị trường nông sản. Bước ra từ bữa cơm quê, rau đồng đang từng bước tiến vào những bữa ăn thành thị, trong nhiều nhà hàng sang trọng, mang lại thu nhập, niềm vui, niềm tự hào cho những ai đã và đang gắn bó với những loại rau này.
Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã quan tâm, xây dựng quy trình chế biến sâu nhiều loại rau dại.
Từ món ăn dân dã đến những sản phẩm có giá trị
Trồng rau đồng để ăn, ông Chiến cũng không nghĩ đến một ngày mình có thể làm kinh tế từ những loại rau này. Như cây rau đắng đất, hồi đó hay mọc ngoài vườn, xen lẫn trong liếp mía, cũng ít khi được quan tâm. Trước đây, rau này thường được sử dụng để ăn kèm với cháo cá, hay đốt lấy nước tro làm bánh, làm nước gội đầu cho phụ nữ. Năm ngoái, ông được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang vận động tham gia mô hình trồng rau đắng đất tại địa phương. Thấy mới lạ và khả thi, ông quyết định trồng thử.
Ông Chiến kể: “Từ lúc trồng đến khi thu hoạch lần đầu tiên là 3 tháng. Tôi trồng xen trong 2 công sầu riêng. Mỗi đợt cắt tôi chừa gốc lại, bón phân chừng 1, 2 tháng sau là có thể thu hoạch tiếp. Rau này ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ. Nếu duy trì thì có thể giải quyết được công lao động nhàn rỗi, tạo nguồn thu nhập khá”. Đó là thành quả nghiên cứu của dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chế biến sau thu hoạch rau đắng đất Polygonum aviculare L. tại huyện Phụng Hiệp”, do ThS. Đặng Thị Thanh Loan làm chủ nhiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh là tổ chức chủ trì.
Dự án là một trong những sự quan tâm của ngành kinh tế, ngành khoa học và công nghệ tỉnh với các loại rau đồng, rau dại vốn gắn bó với mảnh đất Hậu Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Không chỉ cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, hệ thống tưới cho người dân trồng rau đắng đất, dự án còn xây dựng quy trình chế biến rau đắng đất thành các loại trà như trà tươi, trà hòa tan, trà túi lọc. Từ đó, đưa rau đắng đất từ một loại rau tự nhiên, mọc hoang dại trở thành một loại rau có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cho người dân địa phương.
Ngoài ra, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh còn quan tâm, xây dựng quy trình chế biến sâu nhiều loại rau dại khác như: bột rau má hòa tan từ lá rau má; trà lạc tiên từ cây rau nhãn lồng; bột cam thảo đất, trà cam thảo đất hòa tan, trà cam thảo đất túi lọc; trà diệp hạ châu tươi, trà diệp hạ châu túi lọc, trà diệp hạ châu hòa tan,... Từ đó, giúp những loại rau dại này có cơ hội “hóa thân” thành những sản phẩm có giá trị cao hơn. Đưa rau dại và những người gắn bó với nó bước sang một trang mới.
Ở tuổi 68, gần tới cái ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, ông Chiến chẳng mong gì cuộc sống xa hoa, sang giàu. Với ông, cuộc sống bình dị, đơn giản như hiện tại là điều mà ông muốn gắn bó và duy trì nhất. Từng chứng kiến những loại rau đồng, rau dại được săn đón nơi thành thị, rồi trở thành nguyên liệu chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị, ông mừng thầm cho thứ sản vật tự nhiên của quê mình. Rồi ông lại mỉm cười hài lòng với bữa cơm rau dại chấm cá kho “0 đồng” của vợ chồng ông chiều nay.
ĐANG THƯ