Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ 4, có 2 loại ý kiến về hình thức tố cáo.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại bởi hiện nay, việc chuyển tải thông tin thông qua các hình thức điện tử, viễn thông đã hết sức phổ biến. Việc mở rộng hình thức tố cáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện tố cáo.
“Thực tế thời gian qua, nhiều nội dung tố cáo, phản ánh các việc làm sai phạm của cán bộ, công chức, của cơ quan nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hoặc ngay cả qua mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và vi phạm pháp luật nói chung” - ông Nguyễn Khắc Định nói.
Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Lý do là bởi, việc quy định thêm các hình thức tố cáo mới như tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm đối với những người tố cáo sai sự thật.
Tuy nhiên, kết quả phiếu lấy ý kiến cho thấy cả 2 loại ý kiến trên đều chưa được quá 50% tổng số ĐBQH đồng ý.
Do đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, nên nhận được sự quan tâm của các ĐBQH.
Theo ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông), trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì việc sử dụng mạng xã hội, email, bản fax để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật sẽ thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan gây khó khăn cho các cơ quan trong quá trình xem xét, giải quyết tố cáo cũng như xem xét trách nhiệm của những người tố cáo sai sự thật.
Theo ĐB, mở rộng theo hình thức tố cáo này có thể tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ rất phức tạp, đòi hỏi việc tiếp nhận và xử lý tố cáo rất chặt chẽ. Do đó, không nên mở rộng hình thức tố cáo mà giữ như quy định hiện hành.
ĐBQH Phạm Đình Cúc (Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng, việc giải quyết khiếu nại tố cáo hiện nay cũng quá tải, nhiều đơn giải quyết bị kéo dài. Do đó, nếu mở rộng hình thức tố cáo bằng fax, thư điện tử, có thể sẽ gây nên tình trạng tố cáo tràn lan, gây quá tải đối với cơ quan giải quyết tố cáo. Để đảm bảo tính khả thi, ĐB đề nghị hình thức tố cáo nên giữ nguyên như quy định hiện hành, đó là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Cùng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) lo ngại việc bổ sung các hình thức tố cáo khác, có thể gây khó trong công tác quản lý, kể cả tiếp nhận và xác minh các thông tin này. “Quan trọng là phải xử lý tốt, nhanh, kịp thời các đơn thư tố cáo đang áp dụng của luật hiện hành” - ĐB Nguyễn Thanh Thủy nói.
ĐB cũng đề nghị bổ sung quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước được tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo, kiến nghị và giải quyết liên quan đến việc quản lý tài chính công, tài sản công, để nâng cao thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước trong quản lý lĩnh vực này.
Ngoài ra, ĐB đề nghị cần bổ sung chế tài xử lý với người tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng uy tín của người bị tố cáo cũng như những ngươi đùn đẩy, bao che không giải quyết đơn thư tố cáo của người dân
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) dự kiến thông qua vào cuối kỳ họp này./.
Minh Anh