Xin ông cho biết tình hình cơ cấu lại DNNN trong thời gian qua?
Ngày 24/5/2018, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, giải pháp quản lý sử dụng vốn nhà nước và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016. Theo đó, cả nước cổ phần hóa (CPH) được 570 DN, tổng giá trị thực tế của các DN là 797 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 214 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn điều lệ theo phương án được duyệt là 223 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước nắm giữ là 141 nghìn tỷ đồng, chiếm 63%. Còn lại bán cho cổ đông chiến lược 39 nghìn tỷ đồng; bán cho người lao động 4,4 nghìn tỷ đồng; bán cho tổ chức Công đoàn 1,135 nghìn tỷ đồng và bán đấu giá công khai 37 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, cả nước thoái được 11,5 nghìn tỷ đồng, thu về 11,1 nghìn tỷ đồng.
Năm 2017, cả nước CPH được 69 DN, theo phương án được duyệt là vốn điều lệ 161 nghìn tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 85,365 nghìn tỷ đồng. Thoái vốn năm 2017 theo giá sổ sách là 8,9 nghìn tỷ đồng, thu về 139 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ 2 DN lớn là Tổng công ty CP Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Sang giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cả nước phải CPH 127 DN. Cụ thể, riêng năm 2017 là 44 DN, năm 2018 là 64 DN, năm 2019 là 18 DN và năm 2020 là 1 DN. Năm 2017 vừa qua, 69 DN đã thực hiện CPH và 5 tháng đầu năm 2018 được 5 DN.
Vinamilk là 1 trong 2 doanh nghiệp lớn cổ phần hóa thành công năm 2017. Ảnh: ST. |
Có thể nói tiến độ cơ cấu lại DNNN đã và đang chậm so với kế hoạch đề ra. Vậy, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Thực ra, nói về cơ chế, chính sách cho cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 đến giờ phút này đã cơ bản hoàn thành. Ví dụ như Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Bộ Tài chính cũng đã ban hành 2 Thông tư hướng dẫn chi tiết các quy định của Nghị định này để tạo cơ sở pháp lý cho các DN thực hiện CPH.
Tuy cơ chế chính sách đã có nhưng việc thực hiện vẫn chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân căn bản nhất là giai đoạn này, các DN tham gia CPH đều có quy mô rất lớn, các tổng công ty, tập đoàn hầu hết có vốn nhà nước lên đến hàng chục hoặc hơn chục nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo quy định mới, DN CPH không phải điều chỉnh lại sổ sách kế toán như trước đây nên buộc các DN phải xử lý tài chính, lập phương án xử lý đất đai trước khi xác định giá trị DN. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian. Dĩ nhiên, khách quan là thế song các DN cũng cần phải tích cực hơn.
Tới đây, để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, các giải pháp nào cần thiết phải được thực hiện, thưa ông?
Trước tiên, các tập đoàn, tổng công ty, chủ sở hữu có DNNN CPH phải tích cực đẩy nhanh xử lý tài chính, lập phương án sử dụng đất, tiến hành khẩn trương các bước CPH để thực hiện theo đúng quy định.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc gì thì đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, chủ sở hữu của DNNN báo cáo ngay với các cấp có thẩm quyền để kịp thời xử lý hoặc báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để xem xét, tháo gỡ.
Một giải pháp nữa cũng rất quan trọng là các cấp có thẩm quyền cần phải có biện pháp về hành chính, biện pháp mạnh đối với các cá nhân, tổ chức để việc CPH được triển khai đúng tiến độ đề ra.
Xin cảm ơn ông!