Chế biến tôm xuất khẩu của Công ty Saota |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng 30% trong tháng 1, XK tôm của Việt Nam sang Nhật Bản giảm lần lượt 21% và 10% trong tháng 2 và 3.
Trong quý 1/2024, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 103 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Về giá trung bình tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản dao động từ 9-9,2 USD/kg; tôm sú đông lạnh dao động từ 12,6-14,1 USD/kg. Mức giá này tuy vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng đã tăng so với các tháng cuối năm 2023.
Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Chính vì thế, các sản phẩm tôm phổ biến từ Việt Nam xuất sang Nhật Bản như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi… hiện vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường này.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, hiện nay, đồng yên Nhật Bản giảm giá xuống mức thấp 34 năm cũng là một yếu tố khiến cho hoạt động nhập khẩu và sức mua thủy sản của Nhật trong đó có tôm thận trọng hơn.
Đồng yên ở mức 160 yên/1 USD vào cuối tháng 4 năm nay do thanh khoản yếu trong kỳ nghỉ lễ ở Nhật Bản. Đồng yên cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục 171 yên/1 EUR.
Tuy nhiên, với sự sụt giảm tỷ giá đồng yên, khách hàng Nhật Bản lại có văn hóa khá truyền thống là thanh toán các hợp đồng mua dịch vụ từ Việt Nam bằng yên chứ không phải USD, điều này dẫn tới doanh thu khi quy đổi ra VND để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí doanh nghiệp không thay đổi hoặc phần lớn bị tăng lên, dẫn tới lợi nhuận bị bào mòn.