Tăng niềm tin
Trong năm 2016, trọng tâm của chương trình đối tác Hải quan - DN là tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan; hỗ trợ thực hiện quy định pháp luật mới về hải quan; giám sát việc thực thi quy định pháp luật hải quan; trang bị kiến thức, kỹ năng phát triển quan hệ đối tác Hải quan – DN. Trong đó, vấn đề cần đạt được khi phát triển mối quan hệ này gồm: Thông tin, tham vấn, tham gia và trao quyền.
Tín hiệu tích cực nhất được các DN đánh giá cao trong thời gian qua là công tác tham vấn trong việc xây dựng các văn bản luật pháp mới, các quy định mới. Chính vì thế, nhiều cuộc hội thảo tham vấn, lấy ý kiến DN về chính sách mới, những điểm mới của Luật Hải quan, Luật Thuế XK, thuế NK… đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia, đóng góp ý kiến của DN. Hơn nữa, phía cơ quan Hải quan còn tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội nghị giải đáp vướng mắc của DN, tổ chức các chương trình đối tác chuyên đề để lắng nghe ý kiến DN, nhận diện khó khăn và cùng đưa ra phương án tháo gỡ.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, Hiệp hội cùng nhiều DN hội viên thường xuyên nhận được thư mời góp ý về những vấn đề liên quan đến Hải quan. Nhờ đó, các chính sách đến gần với thực tế hoạt động của DN hơn, giúp tạo niềm tin vững chắc giữa DN với các cơ quan chức năng.
Không những thế, ngay khi có vướng mắc về những quy định liên quan đến Hải quan, đa số DN đều ghi nhận sự phản hồi tích cực từ phía cơ quan Hải quan. Bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay, Lefaso đã cùng các Hiệp hội khác như Dệt may, Thủy sản, Gỗ… thành lập một Liên minh tư vấn các vấn đề về hải quan. Khi có bất kỳ vấn đề gì của ngành Hải quan triển khai mà cộng đồng DN cảm thấy cần nêu ý kiến, góp ý hoặc đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, liên minh sẽ lấy ý kiến của đông đảo các hiệp hội rồi cùng gửi tới cơ quan Hải quan.
Cũng nói về sự hỗ trợ từ cơ quan Hải quan, bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại An Đô chia sẻ, DN thường xuyên làm việc với Hải quan Lạng Sơn. Sự thân thiện của các cán bộ Hải quan với DN đã như những người thân trong một nhà, vì thế, ngay khi có vướng mắc, DN đều được các cán bộ Hải quan giải đáp kịp thời. Không những thế, khi có kiến nghị, đóng góp gì trong cách hoạt động của Hải quan, các cán bộ đều tích cực ghi nhận, sẵn sàng phối hợp và nhanh chóng có thay đổi phù hợp.
Cần sự liên thông liên ngành
Mặc dù việc triển khai chương trình đối tác Hải quan - DN đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhưng với số lượng DN đông đảo cùng lượng hàng hóa XNK lớn, việc tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động XNK là điều mà DN nào cũng mong muốn.
Về vấn đề thông tin đến DN, bà Trịnh Tú Anh cho biết, hiện DN vẫn cập nhật thông tin về các quy định, văn bản pháp luật mới thông qua dịch vụ của Thư viện Pháp luật, phía cơ quan Hải quan có gửi thông tin cho DN nhưng không thể đầy đủ hết được. Chưa kể, hoạt động XNK không chỉ liên quan đến Hải quan mà còn có nhiều bộ, ngành khác cùng tham gia, có những quy định riêng. Do đó, phía Hải quan nên có sự tổng hợp hơn nữa để không những cung cấp đủ cho DN mà còn giúp cán bộ Hải quan cũng nắm được rõ các quy định để hướng dẫn DN.
Cũng nhận định ngành Hải quan cần sự phối hợp chặt chẽ hơn từ phía các bộ ngành, theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô, quan hệ đối tác Hải quan – DN nên thêm các cơ quan thuộc bộ ngành khác để cùng giải quyết những bất cập phát sinh, đặc biệt trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Bởi hiện nay công tác này cần sự liên thông của nhiều bộ ngành, một lô hàng DN có thể phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành ở 3-4 cơ quan chuyên môn khác nhau, sau đó mới quay trở lại Hải quan để thực hiện thông quan. Do đó, nếu các vướng mắc được giải quyết một cách thông suốt thì DN sẽ được thuận lợi hơn nữa.
Nhận định thêm về hoạt động trong thời gian tới của chương trình đối tác Hải quan – DN, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, ngành Hải quan cần chủ động, đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị tham vấn, giải đáp vướng mắc cho DN. Theo đó, phía cơ quan Hải quan nhận nhiệm vụ mời các chuyên gia, lãnh đạo từ nhiều bộ ngành đến trao đổi, hướng dẫn DN, Hiệp hội sẽ đảm nhiệm vai trò tập hợp DN tham gia… Có được sự phối hợp nhịp nhàng như vậy thì chương trình sẽ có nhiều cơ hội để đạt được hiệu quả hơn nữa.
Nhìn chung, việc thực thi các quy định, thủ tục hành chính khó có thể có sự hoàn thiện, đảm bảo đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của DN, mà cần một quá trình cải cách theo hướng thuận lợi nhất có thể. Do đó, sự tham gia đóng góp ý kiến của DN, sự giám sát việc thực thi pháp luật của DN với cơ quan công quyền sẽ là đòn bẩy để những cải cách được nhanh chóng, tạo thuận lợi cho cả đôi bên.