Thiếu cơ sở vật chất và cán bộ
Năm 2012, UBND huyện Phú Tân cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng nhà thiếu nhi với quy mô hơn 5 ngàn mét vuông, tuy nhiên đến nay, công trình này vẫn chưa được triển khai. Phó bí thư Huyện đoàn Phú Tân Lâm Ngọc Sơn đánh giá: “Việc chưa có sân chơi hoàn chỉnh là thiệt thòi cho các em thiếu nhi, cả về điều kiện vui chơi lẫn rèn luyện và phát huy năng khiếu".
Anh Lâm Ngọc Sơn cho biết: “Hè không chỉ là dịp để các em vui chơi giải trí sau một năm học tập căng thẳng, mà còn là dịp để các em bổ sung kiến thức mới, tránh các tệ nạn xã hội. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn huyện chủ yếu tại các trường học, trong khi nhu cầu vui chơi giải trí của các em ngày càng lớn”.
Đến nay, huyện Phú Tân cũng như một số huyện chưa có nhà thiếu nhi vẫn chưa mở được các lớp năng khiếu, các câu lạc bộ hè cho các em. Nguyên nhân là huyện thiếu về cả cơ sở vật chất lẫn đội ngũ nhân lực. Để khắc phục những khó khăn này, những năm qua, Huyện đoàn Phú Tân phối hợp các trung tâm văn hoá, UBND xã tập hợp những học sinh có nhu cầu tham gia hoạt động văn hoá, thể thao để mời giáo viên về giảng dạy. Đã qua, Huyện đoàn chủ yếu tổ chức các lớp tập võ, bơi lội.
Anh Lâm Ngọc Sơn cho hay: “Muốn thúc đẩy phong trào thiếu nhi ở nông thôn phát triển cần phải có cơ sở vật chất, có nơi để tổ chức hoạt động. Nhà thiếu nhi là nhu cầu rất cần thiết. Do đó, bên cạnh việc sớm đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi, cần quy hoạch đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt công tác tổ chức các hoạt động, giáo dục lành mạnh toàn diện về thể chất, tinh thần cho thiếu nhi”.
Nơi sinh hoạt xuống cấp kéo dài
Hội trường ngưng hoạt động cả năm nay vì mái dột, tường xuất hiện nhiều vết nứt và rong rêu. Bàn ghế ngổn ngang, phòng dạy năng khiếu đìu hiu, đóng cửa vì không có học sinh học, công trình chưa có bảng hiệu… chính là thực trạng hiện nay tại Nhà Thiếu nhi huyện U Minh. Điều đáng chú ý hơn, đây là một trong những nhà thiếu nhi được đầu tư vốn xây dựng cao nhất trong các nhà thiếu nhi thuộc tuyến huyện, với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng.
Công trình không bảng hiệu này nằm tại Khóm 3, thị trấn U Minh. Trái ngược với sự đông đúc và nhộn nhịp của trung tâm huyện là không khí yên ắng, đìu hiu của nơi có chức năng tập hợp, tổ chức vui chơi giải trí cho các em thiếu nhi.
Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát và làm việc tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. |
Dù chỉ mới sử dụng 5 năm nhưng sân, cổng, hàng rào, hội trường, các phòng chức năng đã xuống cấp làm cho các lớp năng khiếu và các hoạt động phong trào không được duy trì thường xuyên, đặc biệt là các lớp năng khiếu. Giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện U Minh Phạm Văn Hiền cho hay: “Nhà Thiếu nhi huyện được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng nhưng những năm qua công năng hoạt động vẫn chưa hiệu quả. Hiện nay, diện tích sân của khu vui chơi hẹp, chưa lót đủ nền, trang thiết bị phục vụ việc học năng khiếu tại các phòng chưa có”.
Nhà Thiếu nhi huyện Năm Căn là đơn vị sự nghiệp do Huyện đoàn quản lý, sau 11 năm đưa vào sử dụng đến nay không còn đảm bảo hoạt động vì bàn ghế hư hỏng, không có phòng vi tính, không có hội trường đa năng… Phó bí thư Huyện đoàn, Giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện Năm Căn Đỗ Hồng Diễm cho hay: “Hiện nay, các lớp năng khiếu thiếu cộng tác viên có chuyên môn tại địa phương. Nếu thuê cộng tác viên nơi khác thì không đủ kinh phí để chi trả, phụ huynh xem trọng việc học văn hoá nên ngại cho thiếu nhi tham gia các hoạt động xã hội. Cộng thêm tình trạng xuống cấp qua nhiều năm sử dụng, ảnh hưởng không ít đến hoạt động vui chơi và học tập của các em thiếu nhi”.
Cơ chế hoạt động bó buộc
Những công trình không phát huy hết công năng, tình trạng xuống cấp dẫn đến hoạt động ít hiệu quả, nhà thiếu nhi không phát huy được vai trò là nơi tập hợp, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, bồi dưỡng, phát huy năng khiếu. Trong khi đó, nhà thiếu nhi hiện nay là đơn vị sự nghiệp do huyện đoàn, tỉnh đoàn quản lý, tất cả các chức danh như giám đốc, phó giám đốc hầu hết là kiêm nhiệm. Cơ chế quản lý không theo hệ thống dọc, đội ngũ thiếu chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kinh phí hoạt động và nguồn thu hạn chế… là trăn trở của những người làm công tác thiếu nhi hiện nay.
Thời gian qua, Nhà Thiếu nhi tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn giao hỗ trợ về mặt nghiệp vụ chuyên môn cho nhà thiếu nhi huyện. Nhà thiếu nhi tỉnh đã đưa người xuống hoạt động tại địa phương, hỗ trợ trang thiết bị về mặt trò chơi, tổ chức liên hoan các nhà thiếu nhi cấp huyện, tổ chức các trò chơi, hỗ trợ sách… Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh Huỳnh Chí Dũng cho hay: “Trực thuộc huyện đoàn, tỉnh đoàn là cơ chế rất khó cho hoạt động của nhà thiếu nhi, nếu tiếp tục thì nhà thiếu nhi sẽ không phát huy được. Chúng tôi cần có một hệ thống trực thuộc chứ không phải là nhiệm vụ hỗ trợ. Nhà Thiếu nhi tỉnh sẽ chịu trách nhiệm toàn quyền về hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện”.
Về tổ chức bộ máy, biên chế hoạt động, nhà thiếu nhi trực thuộc ban thường vụ tỉnh đoàn, huyện đoàn. Trong khi đó, ban thường vụ hoặc phó bí thư huyện đoàn kiêm giám đốc nhà thiếu nhi và nhà thiếu nhi hiện nay không có biên chế cấp huyện, dẫn đến việc không được cấp kinh phí hoạt động. Nhà thiếu nhi là đơn vị sự nghiệp nhưng chưa đủ nguồn thu nên rất khó khăn trong hoạt động, các hoạt động phải dựa vào nguồn kinh phí phong trào của huyện đoàn. Ông Huỳnh Chí Dũng khẳng định: “Nếu tiếp tục xây dựng nhà thiếu nhi tuyến huyện mà không thay đổi cơ chế quản lý, phân bổ biên chế thì hoạt động của nhà thiếu nhi không thể phát huy được”./.
Qua 4 ngày khảo sát tình hình hoạt động của nhà thiếu nhi trên địa bàn tỉnh (từ ngày 11-16/12), Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Cà Mau Ngô Ngọc Khuê đánh giá: “Bên cạnh chất lượng công trình còn có trách nhiệm của những người quản lý. Nhiều nhà thiếu nhi có trang thiết bị như trống, kèn... nhưng bố trí chưa hợp lý nên chưa phát huy được công năng. Về vấn đề con người, Tỉnh đoàn và các cơ quan có liên quan nên cùng nhau thảo luận xây dựng đề án hoạt động, có sự thống nhất trong toàn tỉnh, duy trì hoạt động và tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong thời gian tới. Đối với những huyện chưa có nhà thiếu nhi, huyện đoàn nên xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động, nhu cầu hoạt động của các cháu. Từ đó có ý kiến đề xuất, tham mưu với UBND huyện". |
Đào Kỳ