Fintech Summit 2019 – Cơ hội kết nối đầu tư cho các starup công nghệ tài chính | |
TPHCM hỗ trợ các startup du lịch tăng tốc khởi nghiệp | |
Chung kết Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo- Startup Hunt 2019 | |
Fintech cần thêm room ngoại |
Fintech đang là lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam. |
Dư địa rộng lớn
Với định hướng phát triển mạnh theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã và đang liên tục mở cửa chào đón các DN công nghệ. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, giao dịch điện tử cũng đang được khuyến khích phát triển. Nghiên cứu của Công ty tư vấn Solidiance cho thấy, thị trường Fintech Việt Nam dự kiến tăng lên 7,8 tỷ USD năm 2020. Còn theo Topica Founder Institute (TFI), trong năm 2018, Việt Nam có 92 thương vụ đầu tư với tổng số vốn là 889 triệu USD, tăng 3 lần so với 2017. Những ngành thu hút vốn nhiều nhất là Fintech với 117 triệu USD, theo sau là E-commerce (thương mại điện tử), TravelTech (công nghệ du lịch), Logistics và Edtech (công nghệ giáo dục).
Trên thị trường hiện nay, các startup chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử và cho vay ngang hàng (P2P). Nhưng các chuyên gia nhận định, dư địa để các startup trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam còn rất lớn khi vẫn còn thiếu một số mảng như insurtech (công nghệ bảo hiểm), credit scoring (đánh giá điểm tín dụng), equity crowdfunding (đầu tư cộng đồng) và crowdfunding (gọi vốn cộng đồng)...
Ngoài ra, các startup trong lĩnh vực này đang nhận được nhiều ưu đãi rất lớn từ Chính phủ. Cụ thể là Chính phủ đã có các ưu đãi thuế, giảm thuế thu nhập DN cho các công ty làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao hoặc trong khu công nghệ cao. Thuế suất ưu đãi là 10% trong 15 năm hoặc 17% trong 10 năm, so với mức thuế suất thông thường là 20%. Ngoài ra, nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng đã đầu tư hàng triệu USD vào các startup để giúp các DN này mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Tiêu biểu như chương trình “Thử thách sáng tạo cùng Công nghệ tài chính – Fintech Challenge Vietnam” năm 2019 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức với sự hỗ trợ của dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (Mekong Business Initiative - MBI), dự án do Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.
Chia sẻ về sự lựa chọn hướng khởi nghiệp của DN, bà Nhữ Quỳnh Anh, Giám đốc điều hành của ứng dụng Finbox cho biết, hiện tại, số người tham gia thị trường chứng khoán của Việt Nam mới chỉ khoảng 2%, trong khi con số này ở Mỹ là 50% nên tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán còn rất lớn. Vì thế, Finbox được tạo lập là ứng dụng sử dụng công nghệ để phân tích, xử lý số liệu, từ đó đưa ra những tư vấn, khuyến nghị, cố vấn đầu tư chứng khoán. Hơn nữa, nhờ vào công nghệ, Finbox có thể tích hợp tất cả tính năng trong một ứng dụng, chọn lọc cổ phiếu tốt nhất trong thời gian ngắn, giúp nhà đầu tư không mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc nhưng vẫn có thể có được lợi nhuận tốt từ thị trường chứng khoán. Ngoài ra, ứng dụng đã liên kết với các broker (người môi giới chứng khoán) tại các công ty chứng khoán nên nhà đầu tư có thể an tâm sử dụng ứng dụng.
Phải gỡ “nút thắt”
Theo Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam, số lượng các công ty Fintech đã tăng gần gấp 4 lần từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến gần 150 công ty ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Fintech ở Việt Nam hiện đang phát triển ở giai đoạn đầu do hệ sinh thái còn đang trong quá trình hoàn thiện, đồng thời lĩnh vực này hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khuôn khổ pháp lý, vốn và nguồn lực con người.
Nói về vấn đề này, ông Hàn Ngọc Tuấn Linh, Chủ tịch HĐT Công ty Cổ phần Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSVA) cho hay, Fintech là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam nên các quy định văn bản, pháp luật để lĩnh vực này hoạt động vẫn còn chưa hoàn thiện. Có những giới hạn mà startup không thể tiếp cận tới được, khó có thể xây dựng thông tin, sản phẩm cũng như là xây dựng giải pháp. Bên cạnh đó, lĩnh vực này liên quan đến ngành ngân hàng, nên những quy định về hoạt động của các Fintech đang được quản lý rất chặt chẽ. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình xây dựng sandbox (khung khổ pháp lý) để các công ty Fintech phát triển ở trong một cơ chế thí điểm. Tuy nhiên, để các startup phát triển thì cơ chế sandbox cần sớm được áp dụng, khi đó startup mới có thể tiếp cận nguồn thông tin giá trị để đưa vào các hạch toán, xây dựng các giải pháp thực hiện phần mềm của họ.
Ngoài ra, một điểm nghẽn cố hữu với các startup chính là nguồn vốn, bởi các DN Fintech hiện đang hoạt động trên thị trường Việt Nam đều phải tồn tại dựa trên một nguồn vốn rất lớn được “rót” từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tiêu biểu như ứng dụng thanh toán Momo (do Công ty Cổ phần dịch vụ di động trực tuyến M_Service phát triển), với hơn 10 năm khởi sự “chinh phạt” thị trường, nhưng đã có tới 3 lần gọi vốn thành công lên tới hàng chục triệu USD để có được sự phát triển như hiện nay. Đây cũng là tình trạng của nhiều ứng dụng thanh toán các công ty Fintech tại Việt Nam hiện nay, nếu không gọi được nguồn vốn lớn thì rất khó để phát triển.
Ngoài ra, ông Humpry Kang, Giám đốc Marketing Công ty Flyhigh cho rằng, Việt Nam có sự phát triển rất nhanh các lĩnh vực của Fintech, nhưng điều cần quan tâm nhất là Việt Nam phải tạo môi trường phù hợp cho các startup nước ngoài, đặc biệt là startup Fintech vào thị trường Việt Nam để phát triển, cùng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam tốt hơn. Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp còn đề xuất, Chính phủ nên xây dựng một bộ luật về đầu tư mạo hiểm, nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các startup Fintech nói riêng và startup nói chung có thể gọi vốn thuận lợi, hiệu quả, nhà đầu tư và các quỹ đầu tư cũng yên tâm hơn khi rót vốn vào startup Việt Nam.
TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ: Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sát cánh cùng các tổ chức hỗ trợ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp để có nhiều hơn các startup Việt Nam vươn ra toàn cầu. Công nghệ tài chính (Fintech) là lĩnh vực đặc biệt và tiềm năng, một thế hệ mới rất giá trị. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang nỗ lực cùng các đơn vị liên quan đề xuất với Chính phủ những quy định thử nghiệm phù hợp với mô hình mới (Sandbox), với cơ chế tốt để thúc đẩy các startup của Việt Nam cũng như các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. |