(CMO) Mỗi khi vào con nước, một ngày, cửa biển Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc và xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) có thể đón trên 500 phương tiện khai thác cặp bến với sản lượng hàng ngàn tấn thuỷ sản các loại, đa phần là ghe câu mực và lưới đánh bắt các loại cá có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng bồi lắng ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành kinh tế chủ lực của địa phương.
Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển Nguyễn Trường Giang cho biết, có khoảng 3 km từ cửa biển ra đang bị cạn nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến các phương tiện khai thác ra, vào. Trên thực tế đã xảy ra tai nạn do tàu mắc cạn. Các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành khảo sát nhưng đến nay chưa thực hiện việc nạo vét.
Việc cửa biển Rạch Gốc bị cạn đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của nhiều phương tiện công suất lớn. |
Hiện nay, Rạch Gốc đang được xúc tiến quy hoạch hàng loạt dự án mang tính chiến lược để tạo bước đột phá như: khu neo đậu tàu thuyền, khu tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hầu cần nghề cá, các trục đường huyết mạch đấu nối với đường Hồ Chí Minh… Tất cả dự án khi triển khai, thực hiện hoàn thành sẽ đưa Rạch Gốc trở thành điểm đến lý tưởng cho thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút phương tiện khai thác cặp bến trao đổi, mua bán hàng hoá, trang bị thêm nhu yếu phẩm, nhiên liệu để tiếp tục vươn khơi.
Tuy nhiên, lão ngư Nguyễn Thanh Nhanh, thị trấn Rạch Gốc, trăn trở: “Muốn ghe tàu cặp bến để phát triển các dịch vụ hậu cần nghề biển thì cửa biển phải sâu, phải rộng. Cửa biển Rạch Gốc không xa so với cửa biển Sông Đốc, trong khi ở Sông Đốc lại phát triển mạnh về các dịch vụ hậu cần nghề biển, đặc biệt là dịch vụ đóng mới, sửa chữa tàu. Vì thế, nếu không sớm nạo vét cửa biển Rạch Gốc, phát triển các dịch vụ hậu cần nghề biển kèm theo thì cửa biển này đìu hiu là tất yếu”.
Ông Nhanh là một trong những ngư dân tâm huyết với nghề biển, mạnh dạn đầu tư trên 500 triệu đồng để nâng cấp tàu, ngư cụ chuyển từ nghề lưới cá chét nổi thành cá chét đáy từ nhiều năm nay. Không chỉ đầu tư khai thác mà ông còn mở vựa để thu mua nguyên liệu của ngư dân trong khu vực.
Ông Nhanh chia sẻ: "Sau những ngày trên biển, tàu phải về cặp bến để lên hàng, tiếp nguyên liệu và bảo dưỡng, sửa chữa máy, ngư cụ… Nếu cửa biển không vào được thì phải di chuyển đến nơi khác. Do đó, dù đường bộ có phát triển bao nhiêu, các dịch vụ hậu cần có đầu tư cỡ nào mà cửa biển cạn cũng rất khó phát triển. Thời gian qua, việc cửa biển Rạch Gốc bị cạn, sản lượng thu mua của gia đình ảnh hưởng đáng kể".
Cửa biển Rạch Gốc nằm gần các ngư trường đánh bắt (biển Đông và biển Tây), vì vậy, nhiều phương tiện lựa chọn nơi đây làm bến ghé sau những ngày lênh đênh trên biển.
Theo đó, tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thị trấn Rạch Gốc là trung tâm chính trị - kinh tế, văn hoá và xã hội đến năm 2030 của huyện Ngọc Hiển. Nơi đây sẽ là khu đô thị trung tâm với kinh tế chủ lực là khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá cũng như du lịch biển. Do đó, việc nạo vét tạo thông thoáng cửa biển nhằm phục vụ cho sự phát triển là điều vô cùng cần thiết.
“Trước mắt, nếu không tiến hành nạo vét kịp thời thì ngành chức năng nên đầu tư phao tiêu báo hiệu đường dẫn từ cửa ra biển vào khoảng 3 km để hướng dẫn ghe tàu ra, vào khu vực cửa biển”, ông Giang kiến nghị./.
Nguyễn Phú